Sau mỗi vụ bạo lực học đường, chúng ta nghe đến xử lý nghiêm, răn đe... có "góc khuất" chưa được nhìn thẳng: Học sinh đang gặp bất ổn - không chỉ còn là những trường hợp cá biệt.
Bạo lực học đường thời nào cũng có. Nhưng chưa lúc nào trở thành nỗi ám ảnh không chỉ với học sinh mà với tất cả mọi người như nhiều năm trở lại đây.
Có người đẩy sang tất cả do smartphone mà ra. Nhưng chiếc điện thoại thông minh chỉ phơi bày những gì thực tế diễn ra.
Đó là những hành động đánh, đấm, tát, lột đồ, dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu, nắm tóc lôi... Những màn tra tấn, hành hạ, sỉ nhục mà không thể nghĩ đồng loại đối với đồng loại, chứ chưa nói dành cho bạn bè.
Nó cũng phơi bày cái sự vô cảm đến lạnh người của bạn bè xung quanh. Trong nhiều clip, vây quanh cảnh hành hạ kinh người đó là những tiếng hò reo, cổ vũ hay là sự bàng quan, dửng dưng, thờ ơ; hay là sự nhiệt tình quay chụp lại...
Hình ảnh này có ở khắp các địa phương, ở trên diện rộng chứ không còn là vài trường hợp lẻ tẻ cá biệt. Phải nói, con trẻ đang trở nên xấu xí và tàn ác.
Lòng nhân giữa người và người, giữa bạn bè ở đâu? Điều gì đang xảy ra với các em? Không chỉ với học trò trong cuộc mà cả với đội quân cổ vũ hay dửng dưng xung quanh.
Sau mỗi sự việc bạo lực, ở các trường, cách giải quyết được chốt lại là... sẽ xử lý nghiêm, sẽ kỷ luật. Tất cả tập trung vào việc xử phạt, răn đe.
Kỷ luật là việc cần nhưng chưa bao giờ là đủ trong giáo dục. Thậm chí, tập trung vào xử phạt còn tạo nên một khoảng hụt rất lớn là chúng ta bỏ quên yếu tố hỗ trợ. Giáo dục cần tâm thế chủ động thì lại ở thế bị động, chờ sự việc đã rồi thì... vào cuộc xử lý.
Trong khi, phía sau một đứa trẻ có những hành vi bạo lực hầu hết là các em đang gặp vấn đề, khó khăn. Những bất ổn trong học tập, trong đời sống không được giải tỏa, các em sẽ có xu hướng trút lên những người yếu thế hơn. Những em bị bắt nạt sẽ tiếp tục đi bắt nạn.... Tạo nên một vòng xoáy bạo lực.
TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia phân viện TPHCM từng đưa ra một ví dụ về quá trình con người tương tác với người khác rồi bị ảnh hưởng và học hỏi về vấn đề bạo lực học đường: Một đứa trẻ thường xuyên bị người lớn quát mắng, đánh đập sẽ có xu hướng quát mắng và đánh đập em út hay những người yếu hơn mình khi chúng không quát lại nổi người lớn.
Việc các em hung hăng đánh bạn chúng ta nhìn thấy chỉ là bề nổi của hệ quả tồn tại lâu nay, mà có khi các em chính là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực.
Cha mẹ hiện nay rất bận rộn, mức độ hiểu con cực kỳ lỏng lẻo, không chia sẻ được với con cái. Ngay mối quan hệ mẹ con, cha con đã không nhiều tình cảm, đứa trẻ thiếu tình thương trầm trọng ngay trong gia đình.
Khi đến trường suốt ngày học hành nhồi nhét, áp đặt, thi cử, kiểm tra triền miên, nhiều giáo viên hành xử thiếu sư phạm, bạo lực... Sự thư giãn, vui vẻ, vui chơi tập thể, gắn kết trong môi trường học đường trở nên hiếm hoi.
Chưa kể môi trường xã hội hiện nay kinh khủng, chỉ cần chiếc điện thoại, các em có thể nhìn thấy hết mọi tiêu cực. Từ bạo lực, tham nhũng, giáo sư, tiến sĩ đạo văn...
Hiển nhiên, cho dù nguyên nhân gì, bà Phạm Thị Thúy nhấn mạnh, các em cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Thế nhưng, trước khi kết tội một đứa trẻ, chúng ta cần tìm hiểu đâu là gốc của vấn đề. Đó cũng là vai trò và trách nhiệm của giáo dục và người làm giáo dục.
Nhưng hiện nay, "giải quyết" vấn đề học đường, từ gia đình đến nhà trường chỉ xoay quanh việc nhắc nhở, răn đe, xử phạt. Trong khi, xử phạt không giải quyết được vấn đề mà các em đang phải đối diện, không giải quyết được những bất ổn bên trong những đứa trẻ...
Chúng ta đang né tránh việc môi trường gia đình, môi trường học đường, áp lực học tập... đang tạo nên bầu không khí, áp lực căng thẳng kéo theo nhiều bất ổn về tâm lý ở học sinh.
Cái gốc không được quan tâm nên bạo lực học đường không giảm mà ngày càng có xu hướng tăng lên, diễn ra ở nhiều nơi, mức độ ngày càng tàn bạo, rùng rợn.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM học Yoga để học cách kiềm chế cảm xúc, giảm căng thẳng
Nói về vấn nạn bạo lực học đường, một quản lý giáo dục ở TPHCM cho rằng, điều cần làm nhất là người lớn phải xem lại chính mình, ở đây trước hết là phụ huynh, giáo viên.
Bà cảnh báo, liệu có chăng học trò bây giờ, từ nhỏ các em đã quen với bạo lực trong gia đình. Khi đến lớp, giáo viên không biết điều tiết, kiềm chế, sử dụng bạo lực... Từ cách hành xử cho đến áp lực từ người lớn đang từng ngày "nuôi dưỡng" cái ác trong học trò.
Sự căng thẳng từ người lớn truyền các em. Các em không còn được cảm nhận, làm quen, sống trong bầu không khí ứng xử nhã nhặn, tích cực, nhân văn.
Đằng sau những đứa trẻ đang xuống tay đánh bạn là bức tranh rõ nhất của giáo dục và cũng là tiếng kêu cứu của các em...
Theo Hoài Nam/dantri.com.vn - 22/03/2021
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/goc-khuat-bao-luc-hoc-duong-nguoi-lon-ne-tranh-20210322063458430.htm