Trường học được xem là môi trường an toàn dành cho trẻ, thế nhưng, phía bên ngoài cánh cổng trường ấy những nỗi lo về mất an toàn do thực phẩm không đảm bảo luôn thường trực. Vô vàn những thứ đồ ăn vặt với hình thức bắt mắt, giá rẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của học sinh. Thực tế này không phải là mới, dù đã được đề cập rất nhiều nhưng chưa biết đến bao giờ mới được kiểm soát.
Hình ảnh chúng ta dễ dàng bắt gặp sau mỗi giờ tan trường, thay vì đi về nhà ngay thì điểm đến mà nhiều học sinh lựa chọn là những quán ăn vặt trước cổng trường. Tại khu vực Trường Tiểu học và THCS Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, hàng quán bán đồ ăn vặt xuất hiện tràn lan trước cổng trường, bày bán các mặt hàng từ ô mai, tăm cay, xiên vừng,…với đa dạng mẫu mã, chủng loại, hình thức bắt mắt, tuy nhiên về nguồn gốc xuất xứ của các loại sản phẩm này thì đến chính người bán cũng không biết rõ.
Giá của những món ăn vặt chỉ giao động từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng phù hợp với túi tiền học sinh nên được các em săn đón nhiệt tình. Tuy nhiên, những thông tin cơ bản về nhà sản xuất, nguyên liệu thì gần như không có hoặc nếu có thì cũng rất mập mờ. Bằng mắt thường thì khó có thể phân biệt được thực phẩm thật hay giả và có đảm bảo chất lượng hay không. Thậm chí, nhiều sản phẩm đã quá hạn sử dụng nhưng vẫn ngang nhiên được bày bán.
Thực trạng này khiến nhiều phụ huynh lo ngại bởi các con lứa tuổi còn nhỏ chưa nhận thức đầy đủ về những mối nguy hại của những thứ đồ ăn vặt. Bên cạnh đó, không ít bậc phụ huynh tỏ ra khá dễ dãi khi chiều theo sở thích của con, vẫn hằng ngày tiếp tay cho những thứ thực phẩm không nguồn gốc ấy tồn tại.
Đa phần các thực phẩm được bày bán đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, đây chính là mối nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Việc kiểm soát tình trạng này vẫn đang được buông lỏng. Trong khi chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thì bản thân mỗi gia đình nên có những biện pháp nhắc nhở, quản lý con em mình. Còn về phía nhà trường phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh nhận thức về các thực phẩm không an toàn, để những thứ đồ ăn này không trở thành mối đe dọa đến sức khỏe của cả một thế hệ tương lai./.
Phương Anh