Những con suối trở thành điểm tập kết rác thải tự phát của người dân - Đây là thực trạng đang diễn ra tại một số cây cầu bắc qua các con suối ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo. Tại đây, các chất thải, túi nilon, chai nhựa, nước thải sau sản xuất chế biến nông sản, thậm chí là xác chết động vật đều được một số người dân kém ý thức trút thẳng xuống dòng suối. Chính điều này đã tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cho người dân.
Cầu Thai Léc nằm trên trục đường chính của xã Đạo Trù. Biển "cấm đổ rác" được địa phương in chữ ngay ngắn đặt tại chân cầu. Nhưng ngay bên dưới biển cấm này lại là một bãi rác lớn. Trên mặt cầu, rác đang được đốt cháy dở với đủ chủng loại bốc mùi khó chịu. Còn dưới chân cầu, hàng trăm bao tải rác khác đang ngâm mình dưới nước chờ phân hủy. Rác đã được người dân ý thức đúc gọn gàng vào các bao tải, các túi lớn, tủi nhỏ, nhưng lại vô ý thức ném thẳng xuống suối.
Tại một cây cầu khác bắc qua con suối Son thuộc thôn Đồng Quạ, xã Đạo Trù. Do đang là mùa nước cạn nên các bao tải rác nằm lăn lóc trên mặt đất. Dòng chảy nhỏ của con suối phải lách qua các bao tải và biến thành một màu khác. Nếu vào mùa nước, các bao tải rác này sẽ nổi và theo dòng suối chảy đi.
Theo tìm hiểu, thôn Đồng Quạ không có tổ thu gom rác thải, các hộ gia đình tự xử lý rác thải tại nhà, số không xử lý được thì người dân đem đi đổ trộm như thế này. Mặc dù thôn đã có chủ trương nếu bắt được ai vứt rác xuống suối thì sẽ phạt tiền. Nhưng rác thì ngày một nhiều mà thôn thì chưa xử phạt được ai.
Rác thải sinh hoạt được ném thẳng xuống suối để tự phân hủy, thậm chí nhiều hộ chăn nuôi còn xả trực tiếp nước thải ra suối, khiến các con suối chảy qua khu dân cư bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ô nhiễm nước mặt và ô nhiễm nước ngầm khiến cho nguồn nước giếng của người dân không đảm bảo. Để có nước sinh hoạt, hầu hết người dân trong xã Đạo Trù đầu tư dây dẫn, kéo nước trực tiếp từ đầu các con suối về dùng.
Xã Đạo Trù có dân số trên 16 nghìn người, nhưng lại không có HTX môi trường nên việc hình thành các bãi rác tự phát là điều không thể tránh khỏi. Theo địa phương, hiện nay, 12/12 thôn đã được quy hoạch có bãi rác, địa phương giao cho các thôn tự bàn bạc tổ chức thu gom và xử lý rác thải, nên có thôn sẽ thành lập tổ thu gom rác, có thôn hướng dẫn người dân xử lý rác tại nhà.
Đạo Trù là nơi đầu nguồn con suối, việc xả rác trực tiếp xuống suối không chỉ gây ách tắc dòng chảy mà còn đem lại hệ lụy vô cùng nghiêm trọng cho môi trường nước. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước mặt, nước ngầm của người dân, nhất là ở các địa phương cuối nguồn nước. Vì vậy, rất mong chính quyền địa phương sớm có biện pháp khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm trên dòng suối này./.
Nguyễn Toàn