Cập nhật: 11/04/2021 08:22:00
Xem cỡ chữ

Hiện nay, trong bối cảnh giá gia cầm giảm sâu, giá cám lại ở mức cao, đã tác động tiêu cực đến đời sống của người chăn nuôi tại nhiều địa phương. Do vậy, việc tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ gia cầm với các hợp tác xã, doanh nghiệp được coi là giải pháp phát triển ổn định, bền vững.

Chuỗi liên kết sản xuất thực phẩm an toàn của trang trại ông Bùi Khắc Nhượng, xã Kim Long, huyện Tam Dương với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam có quy mô 12.000 con gà ta lai. Trang trại có 2 dãy chuồng với thiết kế chuồng lạnh, khép kín, giữa trang trại và công ty đã ký kết hợp đồng thỏa thuận bao tiêu với giá cố định kể cả khi giá cả trị trường có nhiều biến động. Khi tham gia chuỗi, ngoài việc nhận được kỹ thuật chăn nuôi, gia đình ông Bùi Khắc Nhượng còn tiếp thu được kinh nghiệm và kỹ thuật, có thể tự sản xuất độc lập sau khi hết hạn hợp đồng chăn nuôi gia công.

Toàn xã Kim Long có hơn 550 nghìn con gia cầm, trong đó có nhiều hộ chăn nuôi đã tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản với các công ty chăn nuôi. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát việc thực hiện quy trình kỹ thuật của hộ gia công. Thu hồi sản phẩm và thanh toán tiền nuôi gia công theo kết quả chăn nuôi của hộ gia công. Đặc biệt là người nuôi không phải chịu rủi ro về giá cả, nhờ đó duy trì được tổng đàn trong những bối cảnh thị trường bất lợi.

Có thể nói, việc liên kết chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học là xu thế tất yếu trong sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, tạo sự phát triển ổn định và bền vững trong nông nghiệp. Khi mà các chuỗi liên kết phát triển sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong khu vực nông nghiệp - nông thôn, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, trong đó quyền lợi của người nông dân và doanh nghiệp được bảo đảm hài hòa.

Đặng Thưởng