Cập nhật: 12/04/2021 10:19:00
Xem cỡ chữ

Nhằm ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và giữ chân người lao động trước tác động của dịch Covid-19, nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất; giảm số giờ làm việc trong ngày; nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới, liên doanh với các đối tác nước ngoài để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Mendo, phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên được thành lập năm 2011 với ngành nghề chính là sản xuất, gia công cơ khí; chuyên thiết kế, sản xuất khuôn, giá đỡ cho các dây chuyền, máy móc; bàn ghế, tủ sắt văn phòng. Các đối tác của Mendo chủ yếu là các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp như: Công ty Honda Việt Nam, BH Flex Vina, Nanos Vina, Power Logics Vina, UJU, Nhiệt điện Mông Dương.

Để vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Mendo đã định hướng lại chiến lược SXKD, tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới. Cụ thể, công ty đã tăng cường công tác tiếp thị, tìm kiếm đối tác mới, tập trung vào các đơn hàng nhỏ lẻ, hộ gia đình như: Làm cửa nhôm kính, cổng, hoa cửa sổ, mái tôn… với mọi công việc liên quan đến gia công cơ khí. Điều đó đã giúp Mendo từng bước ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho 30 lao động, với mức thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, để duy trì hợp tác với các đối tác chiến lược, Mendo vẫn thường xuyên liên hệ cho công nhân tới hỗ trợ, bảo dưỡng sửa chữa máy móc khi các doanh nghiệp có nhu cầu. Vì vậy, khi dịch bệnh dần được khống chế, hoạt động sản xuất được khôi phục trở lại, Mendo đã nhận được không ít hợp đồng mới.

Công ty cổ phần thương mại giầy Vĩnh Thịnh, xã Kim Long, huyện Tam Dương là doanh nghiệp chuyên gia công giầy thể thao xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu và Mỹ. Năm 2020, Công ty gặp rất nhiều khó khăn do người dân ở các nước EU và Mỹ có xu hướng giảm mua sắm, nhiều cửa hàng, siêu thị đã đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19 khiến các sản phẩm giầy thể thao của công ty ở các thị trường này có dấu hiệu chững lại. Để từng bước vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, Công ty đã sắp xếp lại các dây chuyền sản xuất cho phù hợp với từng thời điểm, doanh nghiệp cũng linh hoạt tìm thêm các đối tác từ những thị trường mới để tăng doanh thu, thêm việc làm cho người lao động. Hiện nay, công ty đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 2.500 lao động, với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Tranh thủ thời cơ, nắm bắt những cơ hội mà Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại, Công ty cổ phần giầy Vĩnh Thịnh đã chủ động liên kết với những đối tác chiến lược của Đài Loan để tranh thủ tiềm lực về vốn và kỹ thuật.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh mới, để trụ vững trong năm 2021 và những năm tiếp theo, buộc doanh nghiệp phải tự làm mới mình, nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng. Đồng thời, nhu cầu chuyển đổi số, sáng tạo trong mô hình kinh doanh cũng là một trong những xu hướng phát triển trong thời gian kế tiếp. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ để tạo đột phá trong phát triển, đồng thời có những chuỗi cung ứng riêng. Trong bối cảnh thị trường sẽ tiếp tục khó đoán, ai có chuỗi cung ứng riêng sẽ tồn tại. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đó là vấn đề cần giải quyết để doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu của thị trường./.

Đặng Thưởng