Chia sẻ các nhóm ngành sẽ khát nhân lực trong tương lai nhưng lãnh đạo các trường đại học cho rằng người học phải xác định tinh thần học tập suốt đời và linh hoạt khi thế giới việc làm luôn biến đổi.
(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Hôm nay, học sinh trên cả nước sẽ bắt đầu đăng ký chọn ngành xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo hình thức tuyển dựa trên điểm kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021. Chia sẻ các nhóm ngành sẽ khát nhân lực trong tương lai nhưng lãnh đạo các trường đại học cũng cho rằng người học phải xác định tinh thần học tập suốt đời và linh hoạt trong thế giới việc làm luôn biến đổi.
Ngành nào “khát” nhân lực?
Nhận định về những ngành nghề sẽ có nhu cầu nhân lực cao trong thời gian tới, thạc sỹ Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho rằng sẽ có các nhóm ngành sau: công nghệ thông tin, marketting số, du lịch-khách sạn, dịch vụ làm đẹp và nhóm ngành khoa học cơ bản.
Cụ thể, về lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Thành cho rằng đây là hạ tầng của mọi hạ tầng, các khối ngành nghề kinh tế-xã hội khác đều phát triển dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin.
“Khối ngành này đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cần thêm khoảng 400.000 nhân lực mỗi năm. Trong đó nổi lên các ngành liên quan đến thiết kế website, thiết kế đồ họa. Liên quan đến kinh tế kinh doanh đang nổi lên ngành lớn là maketing số. Nguyên nhân do mỗi doanh nghiệp đều cần web để quảng bá cho hình ảnh của mình, cần xuất hiện trên các nền tảng về mạng xã hội, google, trên internet, để giới thiệu được sản phẩm tới khách hàng của mình,” ông Thành nhận định.
Về nhóm ngành du lịch, khách sạn, ông Thành phân tích Việt Nam đang là điểm đến an toàn và có nhiều nét văn hóa đặc sắc. Đây là nhóm ngành cần nguồn nhân lực dồi dào nên sẽ có nhu cầu lớn trong tương lai nhưng yêu cầu khả năng ngoại ngữ tốt. Cũng liên quan đến lĩnh vực chăm sóc đời sống tinh thần của con người, ông Thành cho rằng khi đời sống xã hội lên cao, người dân sẽ có nhu cầu chăm sóc bản thân nhiều hơn. Theo đó, các nhóm ngành nghề về làm đẹp như chăm sóc da, móng, tóc, nhuộm tóc, trang điểm, các ngành chăm sóc sức khỏe... sẽ rất phát triển.
Bên cạnh đó, theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, các ngành công nghiệp cơ bản như cơ khí, cơ điện tử, tự động hóa... cũng sẽ là những nhóm ngành khát nhân lực do đây là nhóm ngành xương sống của nền kinh tế.
“Chúng tôi đã thực hiện khảo sát và kết quả cho thấy những nhóm ngành nghề trên đang được thị trường thực sự quan tâm,” ông Thành cho hay.
Đồng tình với quan điểm trên, phó giáo sư Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cũng cho rằng các ngành khối công nghệ thông tin, du lịch, cơ điện tử, tự động hóa, ngoại ngữ là những ngành “khát” nhân lực. Ngoài ra, theo ông Khánh còn có các ngành khối công nghệ phần mềm, an ninh mạng, data, dữ liệu..., nhóm ngành khoa học sức khỏe, nhóm ngành công nghệ sinh học và môi trường cũng là sẽ những ngành rất có tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Lãnh đạo các trường cho rằng học sinh cần xác định tinh thần học tập suốt đời, sẵn sàng chuyển đổi và thích nghi. (Ảnh minh họa: PV)
Theo giáo sư Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, không thể phủ nhận xu thế của một số ngành liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh kỹ thuật số, sáng tạo nội dung trên nền tảng số... sẽ là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh chuyển đổi số, càng ngày nhiều ngành nghề có xu hướng cắt giảm nhân sự. “Tuy nhiên, với cá nhân tôi, các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là khoa học kỹ thuật sẽ luôn luôn chiếm vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước,” ông Việt chia sẻ.
Sẵn sàng tinh thần chuyển đổi
Chia sẻ thông tin về những ngành nghề sẽ có triển vọng việc làm cao trong thời gian tới, tuy nhiên, lãnh đạo các trường cũng cho rằng thị trường lao động là yếu tố luôn biến đổi không ngừng, đặc biệt là dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0 chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Vì thế, phía nhà trường sẽ tích cực cập nhật chương trình đào tạo để tiệm cận nhất với nhu cầu thị trường, trong khi đó người học cũng cần linh hoạt và sẵn sàng tinh thần chuyển nghề nghiệp.
“Với phương châm là học suốt đời, không nhất thiết học ngành gì phải ra làm đúng nghề đó. Trong quá trình chuyển đổi số, chúng ta hướng tới đa ngành, đa nghề chứ không chỉ một nghề,” giáo sư Nguyễn Trung Việt chia sẻ.
Cùng quan điểm này, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng quá trình chuyển đổi số sẽ làm cho một số ngành nghề biến mất trong tương lai, đặc biệt những ngành nghề mang tính chất lặp đi lặp lại, ở trình độ kỹ năng thấp sẽ bị thay thế. Vì thế, theo bà Thủy, học sinh cần xác định tinh thần có thể chuyển đổi công việc sau khi ra trường, không nhất thiết phải làm đúng ngành nghề mình theo học và coi việc làm trái ngành là bình thường.
“Học tập là quá trình suốt đời, mỗi phút tri thức sẽ nhân lên rất nhiều lần. Các em học sinh trung học phổ thông khi đứng trước ngưỡng cửa lớn của mình phải hiểu tinh thần đó,” bà Thủy chia sẻ.
Cũng theo bà Thủy, chuyển đổi số là sự tích hợp công nghệ số vào tất cả lĩnh vực của các tổ chức, doanh nghiệp, các lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng 2030, trong đó đặc biệt ưu tiên một số lĩnh vực cần chuyển đổi số mạnh mẽ, dẫn dắt hàng đầu như giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, năng lượng mới, tài nguyên môi trường, sản xuất nông nghiệp… Theo đó, lĩnh vực nào cũng có thể ứng dụng kiến thức vào chuyển đổi số./.
Theo Phạm Mai (Vietnam+) - 27/4/2021
https://www.vietnamplus.vn/nhung-nganh-hoc-nao-se-khat-nhan-luc-trong-thoi-gian-toi/708924.vnp