"Những ngành ít hấp dẫn nhất, tính theo nguyện vọng 1 (NV1) là Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên. Nhưng đây đều là nhóm ngành khoa học cơ bản, quan trọng cho đất nước cả hiện tại và tương lai", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến nay trên toàn hệ thống có trên 3,8 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển Đại học và Cao đẳng sư phạm (Bao gồm toàn bộ nguyện vọng 1,2,3...) Trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh là gần 550.000 chỉ tiêu.
Nếu tính tổng nguyện vọng trên chỉ tiêu thì nguyện vọng có số lượng gấp nhiều lần chỉ tiêu. Nhưng nếu tính tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển NV1 thì chỉ cao gấp 1,45 lần tổng số chỉ tiêu chỉ tiêu của cả hệ thống.
Xu hướng chọn ngành năm nay, thí sinh tập trung vào một số nhóm ngành hấp dẫn, An ninh Quốc phòng (gấp 5,6 lần chỉ tiêu); Báo chí và thông tin (gấp 3 lần chỉ tiêu). Ngoài ra các ngành Nghệ thuật, Du lịch khách sạn, dich vụ cá nhân, Khoa học xã hội và hành vi ... cũng là những nhóm ngành thu hút sự quan tâm của thí sinh.
Đăng ký xét tuyển Đại học-Cao đẳng năm nay, thí sinh vẫn tập trung nhiều vào một số ngành học "hot" như: Quốc phòng, An ninh, Kinh tế, Quản lý, Nghệ thuật, Du lịch khách sạn, dich vụ cá nhân, Khoa học xã hội và hành vi...
Đăng ký xét tuyển Đại học-Cao đẳng năm nay, thí sinh vẫn tập trung nhiều vào một số ngành học "hot" như: Quốc phòng, An ninh, Kinh tế, Quản lý, Nghệ thuật, Du lịch khách sạn, dich vụ cá nhân, Khoa học xã hội và hành vi...
Điều đáng chú ý, trong tổng số nguyện vọng, thì nhóm ngành Kinh Doanh quản lý chiếm tỷ lệ đăng ký nguyện vọng cao nhất (Khoảng 27% so với tổng NV1). Nhưng khi so với chỉ tiêu mà các trường có năng lực đào tạo thì hệ số chỉ tiêu so với nguyện vọng 1 chỉ cao gấp 1,8 lần, đứng thứ 6 trong những nhóm ngành hút thí sinh nhất.
“Nhóm ngành ít hấp dẫn nhất, tính theo NV1 là Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên. Đây đều là nhóm ngành khoa học cơ bản, nhu cầu nguồn nhân lực tương đối khắt khe nhưng là những ngành quan trọng cho nền kinh tế hiện tại và tương lai, rất cần những chuyên gia giỏi, mong rằng sẽ thu hút được nhiều thí sinh” – PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh.
Lý giải vì sao nhiều ngành quan trọng cho đất nước, nhu cầu xã hội cao lại chưa nhận được sự quan tâm của thí sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học phân tích, điều này trước hết do tâm lý của thí sinh. Thậm chí là tâm lý của phụ huynh cũng tác động đến sự lựa chọn ngành nghề của thí sinh.
Thứ hai, hiện nay chúng ta đang thiếu sự đánh giá tổng thể về nhu cầu nguồn nhân lực của những ngành nghề khác nhau, dự báo sự biến động về nhu cầu trong tương lai trung hạn, dài hạn như thế nào để cung cấp cho thí sinh, gia đình thông tin tổng quát hơn về những lĩnh vực cần thiết, đang rất cần những chuyên gia giỏi vào làm việc.
“Thực tế, nhiều ngành rất quan trọng như vận tải biển, logistic, đóng tàu, Khoa học công nghệ cao... có nhu cầu rất lớn nhân lực, thậm chí thu nhập rất tốt. Tuy nhiên, việc đào tạo rất khắt khe về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra. Đồng thời môi trường làm việc có thể vất vả hơn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân đối khi thí sinh lựa chọn ngành nghề. Thứ nữa, các trường còn thiếu hoạt động truyền thông, quảng bá một cách thiết thực, hữu hiệu về những ngành nghề cụ thể dẫn đến việc thí sinh chưa thực sự hiểu về ngành nghề” – Bà Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng cảnh báo, việc thí sinh tập trung quá nhiều nguyện vọng vào một số ngành khiến cho mức độ cạnh tranh rất cao và khả năng trúng tuyển của thí sinh cũng rất khó. Thậm chí có khả năng các em không đỗ vào trường đại học nào bởi vì tất cả các nguyện vọng đều dồn vào những ngành có mức độ cạnh tranh cao như vậy. Ngoài ra, việc chạy theo trào lưu, tâm lý xã hội mà không căn cứ vào thực lực, năng lực sở trường, đặc điểm của cá nhân, gia đình thì có thể dẫn đến việc chọn sai trường, sai ngành, mất nhiều thời gian, nguồn lực để có thể sửa sai.
Phân tích việc thí sinh đổ dồn đăng ký xét tuyển vào một số ngành học được cho là "hot" trong khi một số ngành học quan trọng cho sự phát triển đất nước như Khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, nông nghiệp... lại chưa nhận được sự quan tâm nhiều của thí sinh, PGS.TS Lê Đông Phương (GĐ Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam) cho rằng, nhiều thí sinh không hình dung được thị trường lao động sau khi tốt nghiệp ngành đó. Vì khâu thông tin, quảng bá về các ngành nghề hoặc thông tin thị trường lao động đang làm rất kém.
Bên cạnh đó là sự hỗ trợ sinh viên trong quá trình đào tạo những ngành khoa học cơ bản hay nông nghiệp. Trước đây chúng ta từng nói là hỗ trợ nhưng thực ra chưa có nên thí sinh phải cân nhắc câu chuyện học phí, thời gian đi học và tương lai về sau…
"Hiện nay, học phí đào tạo khối ngành khoa học cơ bản về cơ bản không cao, chỉ hơn mức sàn một chút. Câu chuyện ở đây là đã đến lúc chúng ta cần phải có chính sách hỗ trợ một số ngành đào tạo rất đặc biệt, quan trọng cho đất nước… giống như chúng ta đầu tư thu hút sinh viên ngành sư phạm" - PGS.TS Lê Đông Phương nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Đỗ Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần FECON cho rằng, những ngành khoa học cơ bản (Khoa học tự nhiên, kỹ thuật...) luôn có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Điều quan trọng là các bạn trẻ hiểu được học ngành này ra sẽ làm cái gì? Có sự đam mê, có kế hoạch cho nó thì sau khi ra trường sẽ không bị bỏ ngang. Còn chính những ngành nghề hottrend có thể chỉ "nóng" trong một giai đoạn. Qua giai đoạn "hot" sẽ chuyển sang điểm rơi khác, lúc ấy nguồn nhân lực có nguy cơ bị dư thừa./.
Theo Bá Duy/VOV2 – 24/5/2021
https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/vi-sao-mot-so-nganh-khoa-hoc-co-ban-khong-thu-hut-duoc-nhieu-thi-sinh-860173.vov