Dù mới được trồng, phát triển tại một số xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng Ngô sinh khối đã bộc lộ nhiều ưu điểm trên đồng đất Vĩnh Phúc như ít sâu bệnh, giảm công chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn, có thể trồng 3-4 vụ/năm.
Vụ đầu tiên gia đình anh Nguyễn Minh Ba, thôn Dùng, xã Cao Phong, huyện Sông Lô trồng Ngô sinh khối. Trước đây, trên vùng đất bãi này, gia đình anh Ba và người dân trong xã Cao Phong trồng 3 vụ ngô/năm. Tất cả đều trồng lấy hạt. Được Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn, gia đình anh mạnh dạn chuyển đổi cách trồng. Mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các đơn vị thu mua, vận chuyển không thể ra vào tỉnh khiến việc thu hoạch Ngô sinh khối của gia đình chậm khoảng 20 ngày, nhưng so với trồng ngô lấy hạt, Ngô sinh khối đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Ngô sinh khối được trồng để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc. Đây là mô hình đã được trồng thử nghiệm tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh và cho thấy có nhiều ưu điểm hơn so với trồng ngô lấy hạt như thời gian từ trồng đến thu hoạch ngắn hơn trồng ngô lấy hạt từ 25 - 35 ngày, nên người dân có thể trồng tăng vụ lên 3 - 4 vụ/năm. Qua đó, giảm được công chăm sóc và chi phí đầu vào. Vụ này, huyện Sông Lô đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích 3ha. Hiệu quả bước đầu từ mô hình này sẽ là căn cứ để huyện Sông Lô khuyến khích người dân chuyển đổi phương thức trồng để đem lại hiệu quả cao nhất.
Hiện nay, nhu cầu thu mua thức ăn thô xanh cung cấp cho bò thịt, bò sữa trên thị trường khá lớn trong khi lượng cung mới chỉ đáp ứng một phần. Do vậy việc chuyển đổi từ ngô lấy hạt sang ngô sinh khối sẽ đem lại thu nhập cho người nông dân. Trồng Ngô sinh khối đang được coi là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giảm diện tích đất trống trong vụ Đông./.
Hà Giang