Vài ngày sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã quay lại châu Âu hôm 22/6 để tiếp tục xây dựng liên minh phương Tây nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ông Blinken đã rời Washington chiều 22/6 để tới Berlin, sau đó sẽ tới Paris và Rome để gặp 2 nhà lãnh đạo châu Âu quan trọng là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cùng với các nhà lãnh đạo Vatican và tham gia các cuộc thảo luận về hòa bình ở Libya cũng như nỗ lực đánh bại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Ngoại trưởng Mỹ sẽ khép lại chuyến công du sau cuộc họp G20 ngày 29/6 ở thành phố Matera của Italy. Tại đây, ông Blinken có thể sẽ có cuộc gặp trực tiếp với người đồng cấp Trung Quốc.
Trước đó, trong chuyến công du của mình, Tổng thống Biden đã đề xuất một kế hoạch cơ sở hạ tầng quy mô lớn của các nước công nghiệp G7, nhằm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đồng thời dẫn dắt Hội nghị Thượng đỉnh NATO xem xét rõ ràng mối đe dọa từ Trung Quốc.
"Chuyến công du này là một sự tiếp nối ưu tiên mà Tổng thống Biden đang thực hiện nhằm tái xây dựng mối quan hệ với các đồng minh", Phil Reeker, một nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ về châu Âu cho hay.
"Sức mạnh của mối quan hệ này sẽ đặt nền tảng cho nhiều ưu tiên về chính sách đối ngoại, trong đó có sự khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đối phó với các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên thế giới", nhà phân tích này nhận định.
Hầu hết châu Âu đều hoan nghênh nỗ lực thúc đẩy liên minh của Tổng thống Biden sau 4 năm hỗn loạn dưới thời cựu Tổng thống Trump. Đội ngũ của Tổng thống Biden cũng có những ưu thế riêng trong việc xây dựng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này. Ngoại trưởng Mỹ Blinken là một nhà ngoại giao kỳ cựu từng có thời gian lớn lên ở Paris và có thể nói thông thạo tiếng Pháp. Ông cũng có phong cách ngoại giao hoàn toàn khác biệt so với người tiền nhiệm Mike Pompeo, vốn có quan điểm bảo thủ sâu sắc.
Trong thời gian qua, Tổng thống Biden đã có những bước đi nhanh chóng nhằm hàn gắn những rạn nứt với châu Âu, đảo ngược quyết định rút quân khỏi Đức dưới thời cựu Tổng thống Trump và giải quyết những mâu thuẫn từ lâu với châu Âu về việc trợ giá cho các nhà sản xuất máy bay.
Dù vậy, Tổng thống Biden đã có quyết định gây tranh cãi khi dỡ lệnh trừng phạt lên dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2. Quyết định trên đã vấp phải sự phản đối từ một số nước châu Âu, đặc biệt là Ukraine.
Dù vậy Ian Lesser, phó Chủ tịch Quỹ Marshall của Mỹ ở Đức cho rằng Dòng chảy phương Bắc 2 chỉ là một trong nhiều vấn đề mà Tổng thống Biden đang nỗ lực "cân bằng khó khăn" với châu Âu.
"Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta làm điều này cho Đức hay cho Nga?", chuyên gia này đặt câu hỏi.
Trong khi Thủ tướng Merkel chuẩn bị kết thúc 15 năm lãnh đạo sau cuộc bầu cử năm nay, thái độ thân thiện và tích cực của Nhà Trắng sẽ giúp đảm bảo mối quan hệ giữa Mỹ và quốc gia đông dân nhất EU này vẫn ổn định.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức tiếp theo có thể sẽ có lập trường về Trung Quốc khác với Thủ tướng Merkel, vốn ủng hộ việc theo đuổi quan hệ với Trung Quốc qua thương mại.
Ứng viên hàng đầu của đảng Xanh Annalena Baerbock cảnh báo rằng các công ty Trung Quốc như tập đoàn Huawei đang thu thập dữ liệu ở châu Âu, đồng thời tuyên bố sẽ phản ứng cứng rắn trước vấn đề Tân Cương.
"Ngày càng có nhiều lập trường cứng rắn ở châu Âu và trong quan hệ với Trung Quốc", chuyên gia Lesser đánh giá./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) - 23/6/2021
https://vov.vn/the-gioi/my-dang-lay-long-chau-au-de-doi-pho-voi-trung-quoc-868242.vov