Khởi đầu từ những năm 2000, đến nay, huyện Vĩnh Tường trở thành một trong những địa phương có đàn bò sữa lớn nhất tỉnh. Nhờ mở rộng quy mô chăn nuôi bò sữa, đời sống của người dân nơi đây đã đổi thay từng ngày. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư cũng gây ra nhiều hệ lụy đến môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Vì vậy, cùng với việc tăng số lượng đàn bò, huyện Vĩnh Tường đang quyết tâm đưa chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư bằng những giải pháp cụ thể.
Với mục tiêu xây dựng các khu chăn nuôi bò sữa tập trung ra ngoài khu dân cư phù hợp với quy hoạch chung, đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, huyện Vĩnh Tường đã chọn xã Vĩnh Thịnh và xã Bình Dương để triển khai thực hiện Đề án chăn nuôi bò sữa phát triển ra ngoài khu dân cư. Mặc dù Đề án này đã triển khai thực hiện được hơn 10 năm nhưng đến nay mới chỉ có 2 hộ dân của xã Bình Dương thực hiện theo Đề án này.
Hiện nay huyện Vĩnh Tường có hơn 1.300 hộ nuôi bò sữa với tổng đàn gần 12.600 con, chiếm hơn 90% tổng đàn bò sữa của toàn tỉnh. Do vậy, việc quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, trong đó có quy hoạch lại đồng ruộng, phân vùng sản xuất, khu chăn nuôi xa dân cư được xã huyện Vĩnh Tường tính đến từ rất lâu. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay để xây dựng các khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư là vấn đề đất đai.
Để các các khu chăn nuôi tập trung phát huy hiệu quả trong thực tiễn, huyện Vĩnh Tường không chỉ xây dựng các vị trí phù hợp với điều kiện chăn nuôi, sản xuất của các hộ, mà còn đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng của khu chăn nuôi tập trung; cùng với đó là sự tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách về đất đai trong phát triển nông nghiệp để địa phương phát triển chăn nuôi bền vững.
Đặng Thưởng