Cập nhật: 13/07/2021 11:20:00
Xem cỡ chữ

Khi Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh đào tạo tiến sĩ mới đã gây nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng, quy chế mới có cải tiến, nhưng dễ dãi hơn, hội nhập quốc tế đều thấp hơn.

Vừa qua, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ nhận được sự quan tâm gây tranh cãi.

Nhiều nhà quản lý, chuyên gia bày tỏ sự ủng hộ, bên cạnh đó, cũng ghi nhận một số băn khoăn cho rằng, các nghiên cứu sinh (NCS) tối thiểu phải có công bố quốc tế (dẫu rằng ngoài các công bố trong nước, chí ít phải có thêm chỉ là bài Kỷ yếu hội thảo quốc tế, hoặc Tạp chí quốc tế bằng tiếng nước ngoài, chưa yêu cầu phải ISI/Scopus) để tăng cường khả năng hội nhập.

Các thầy hướng dẫn, thành viên hội đồng tiêu chí rất rõ ràng ở quy chế cũ. Nay Quy chế mới không cần công bố quốc tế cả thầy lẫn trò. Chuẩn đầu ra phải cao hơn, chí ít cũng nên giữ như Quy chế 2017) thì Quy chế mới lại quay trở về như các quy chế xưa cũ năm nào.

Một Giáo sư Toán học cho biết, trước 2017, chúng ta đã từng xôn xao về các lò tiến sĩ rởm, những nơi có thể đào tạo hàng trăm tiến sĩ mà hầu như không có công bố quốc tế nào. Quy chế cũ đã giúp dẹp bỏ những vấn nạn này chính bởi vì tiêu chuẩn công bố quốc tế mà nghiên cứu sinh khó lòng "chạy" được. Vậy thì tại sao Bộ GDĐT lại thay thế Quy chế cũ bằng một quy chế không khác gì thời kỳ nhiều tiêu cực trước 2017?

Vị Giáo sư này nhấn mạnh: "Yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có "tiến sĩ thật". Không có tiêu chuẩn công bố quốc tế thì những quy định đầu vào, dù có chặt chẽ đến đâu, cùng với các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật... không thể ngăn cản được việc cho ra lò các "tiến sĩ rởm"".

Một vị Giáo sư khác cho hay, nếu theo con đường học thuật thì rõ ràng học tiến sĩ mới chỉ là giai đoạn học làm nghiên cứu. Công bố quốc tế hay trong nước thực chất chỉ để giúp nghiên cứu sinh có cơ hội để học cách làm việc chuẩn chỉnh, bài bản. Do đó, nếu là các chương trình tiến sĩ nặng về nghiên cứu để đào tạo ra những người đi theo con đường học thuật thì nên áp tiêu chuẩn cao với lộ trình cụ thể.

Với toán học thì phải có chuẩn riêng, nghiên cứu sinh mặc định phải có bài báo quốc tế. Bên cạnh đó, giải pháp khả thi nhất hiện nay là nên có hệ Tiến sĩ Thực hành.

Trước nhiều ý kiến tranh luận trên, ngày 13/7, đại diện Bộ GDĐT, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH) Nguyễn Thu Thủy đã có những trao đổi, làm rõ một số vấn đề được đặc biệt quan tâm này.

Bộ GD-ĐT lên tiếng về Quy chế đào tạo tiến sĩ mới hạ chuẩn gây tranh cãi - 1

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH) Nguyễn Thu Thủy.

Cần được nhìn nhận lại bài đăng báo quốc tế là tốt, đăng tạp chí trong nước là thấp!

Phóng viên: Hiện có một số ý kiến cho rằng Quy chế mới hạ thấp chuẩn đầu vào, đầu ra về chuyên môn, ngoại ngữ và hội nhập quốc tế so với trước, đối với cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh. Liệu có phải như vậy không, thưa bà?

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy: Trước tiên, chúng ta cần thống nhất nhận thức, rằng, Quy chế 18 lần này là một quy chế khung, bao gồm các quy định, các mức cơ bản để đảm bảo chất lượng đào tạo tối thiểu của một tiến sĩ.

Bởi lẽ, như đã nói ở trên, quy chế tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học theo Luật GDĐH, với tinh thần giao nhiều quyền (kèm theo cả trách nhiệm giải trình) về đào tạo hơn cho cơ sở GDĐH.

Với vai trò quản lý nhà nước, quy chế này quy định các tiêu chuẩn tiêu chí căn bản, tối thiểu, đã tính đến sự đa dạng phong phú của các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo.

Trên cơ sở các tiêu chuẩn khung này, cơ sở GDĐH căn cứ vào mục tiêu, năng lực đào tạo mà đưa ra những quy định, yêu cầu bằng hoặc cao hơn cho việc đào tạo tiến sĩ của mình, đồng thời, công bố công khai minh bạch để cơ quan quản lý, xã hội và người học biết và giám sát, thực hiện.

Lưu ý, việc đặt ra các tiêu chí như thế nào sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để cơ sở GDĐH đó khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo của mình.

Thứ hai, việc xây dựng, ban hành Quy chế 18 song song với xây dựng ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của GDĐH, triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF).

Trong thời gian tới, tiếp tục triển khai VQF, các hội đồng nhóm ngành, khối ngành sẽ xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo (gồm các yêu cầu tối thiểu) với các đặc thù riêng, chặt chẽ hơn cả về đầu vào, đầu ra, có thể cao hơn so với chuẩn theo trình độ và phù hợp với từng lĩnh vực ngành nghề đào tạo. 

Căn cứ vào chuẩn tối thiểu (theo trình độ, theo nhóm ngành…), các cơ sở GDDH có thể xây dựng quy chế đào tạo, đặt ra các tiêu chuẩn, tiêu chí cao hơn các chuẩn chung của toàn hệ thống, phù hợp với lĩnh vực ngành nghề đào tạo cũng như năng lực thực tiễn của cơ sở đào tạo, từ đó khẳng định uy tín đào tạo của mình. Điều này tôi đã nhắc đến ở trên và xin được tiếp tục nhấn mạnh.

Thứ ba, về chuẩn đầu vào, đầu ra, trước hết, chúng ta cần xem toàn văn Quy chế, đặc biệt là quy định đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn tại Điều 14. Theo đó, việc đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn được tổ chức khi nghiên cứu sinh đáp ứng đủ những yêu cầu theo quy chế và yêu cầu bổ sung của cơ sở đào tạo đối với từng chương trình đào tạo (nếu có).

Trong những yêu cầu được nêu tại Quy chế, hiện được quan tâm nhất là yêu cầu liên quan đến công trình, sản phẩm khoa học của nghiên cứu sinh.

Có lẽ, chúng ta cần thống nhất chia sẻ quan điểm khi nhận thức về vai trò, ý nghĩa của bài báo, công trình khoa học đối với việc đào tạo tiến sĩ.

Đây là một trong những minh chứng, chỉ số để đánh giá chất lượng học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh trong quá trình đạt tới học vị tiến sĩ.

Tuy nhiên, việc mặc định cứ bài đăng báo quốc tế là tốt, chất lượng bài đăng tạp chí trong nước là thấp là một định kiến cần được nhìn nhận lại.

Quy chế 08 năm 2017 có quy định công nhận các báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện, chưa xem xét cụ thể mức độ uy tín của hội nghị hay hội thảo. Quy chế 18 đã quy định cụ thể hơn về những ấn phẩm được Hội đồng Giáo sư nhà nước đánh giá, và các hội nghị khoa học cũng phải thuộc danh mục WoS/Scopus.

So với thời điểm ban hành Quy chế 08 năm 2017, hiện nay, các tạp chí, ấn phẩm trong nước đã có nhiều đầu tư về nguồn lực và chuyên môn, đã có sự thay đổi nhiều về chất. Không chỉ là diễn đàn khoa học, đây còn là nơi công bố các nghiên cứu, tư vấn chính sách… có ý nghĩa thực tiễn với Việt Nam, được thành lập và hoạt động dưới sự cho phép và quản lý của các cơ quan chức năng.

Trên thực tiễn, chất lượng của nhiều tạp chí ngày càng gia tăng, dần hướng tới các chuẩn quốc tế. Những đóng góp của hệ thống ấn bản phẩm khoa học trong nước hoàn toàn xứng đáng được nhìn nhận đánh giá khách quan và công bằng hơn.

Bên cạnh yêu cầu đầu ra, việc đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ còn thể hiện ở các quy định từ đầu vào, nhưng quan trọng hơn là quá trình học tập, có nỗ lực và tiến bộ, có sự chuẩn bị kỹ về kế hoạch, thời gian học tập, nghiên cứu…

Bộ GDĐT trong thời gian tới sẽ tập trung tăng cường giám sát (cùng với sự giám sát của giới khoa học, của toàn xã hội) đối với quá trình học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh trong các cơ sở đào tạo.

Bộ GD-ĐT lên tiếng về Quy chế đào tạo tiến sĩ mới hạ chuẩn gây tranh cãi - 2

Quy chế quy định nghiên cứu khoa học là thành phần chính yếu, bắt buộc trong chương trình đào tạo tiến sĩ.

Không thể đào tạo tràn lan

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng các yêu cầu đầu ra sẽ dẫn đến tình trạng tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ tràn lan, thưa bà?

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy: Quy chế đã quy định rõ việc sinh hoạt chuyên môn của nghiên cứu sinh là quyền lợi và trách nhiệm, thực hiện như đối với giảng viên trợ giảng hoặc nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo.

Như vậy, việc đào tạo không thể tràn lan, mà phải tập trung vào việc học thật, học có chất lượng. Nghiên cứu sinh phải cân nhắc kỹ khi quyết định theo học, và cần phải được cơ quan cử đi học tập, nghiên cứu một cách chính thức theo hình thức chính quy.

Trong giai đoạn trước đây, Quy chế 08 đã có những đóng góp quan trọng trong việc đặt ra các chuẩn đầu ra nhấn mạnh các công bố quốc tế, từ đó tăng cường quản lý chất lượng đầu ra của đào tạo tiến sĩ.

Trong giai đoạn mới, nhận thức về sự đa dạng phong phú của các lĩnh vực ngành nghề đào tạo và sự cần thiết của việc ghi nhận và tiếp tục nâng cao chất lượng các công bố trong nước, những thay đổi trong quy chế mới là điều phù hợp.

Ở vai trò quản lý nhà nước, Bộ GDĐT cần đặt ra các tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp và giám sát việc thực hiện triển khai. Chúng ta sẽ cùng tiếp tục nỗ lực và có giải pháp cả trong hoạch định chính sách và thực thi trong thực tiễn để đấu tranh và hướng tới chất lượng thực chất.

Quy chế 18 tăng cường liêm chính học thuật và sự giám sát của các bên liên quan

Phóng viên: Đối với tự chủ tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ, những thách thức nào đã được tính đến và quy chế mới đang có những quy trình có thể giải quyếtthưa bà? 

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy: Trong các quyền tự chủ đại học thì tự chủ về học thuật đóng vai trò quan trọng bậc nhất. Quy chế 18 tăng cường mạnh mẽ quyền và trách nhiệm của các cơ sở đào tạo tiến sĩ theo hướng tự chủ học thuật đó. Cụ thể: 

Quyền (và trách nhiệm) tự chủ học thuật không chỉ thuộc cơ sở đào tạo, mà còn của các nhà khoa học, các chuyên gia từ cấp bộ môn, tới các chuyên gia phản biện độc lập, thành viên hội đồng bảo vệ luận án… cho đến giới khoa học nói chung.

Đồng thời, Quy chế 18 tăng cường liêm chính học thuật và sự giám sát của các bên liên quan và giới khoa học. Việc giám sát của giới khoa học và toàn xã hội là rất quan trọng trong quá trình đào tạo và đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Ví dụ như Quy chế 18 yêu cầu đăng tải công khai luận án tiến sĩ sau khi bảo vệ trên trang điện tử của cơ sở đào tạo trong 90 ngày là nhằm tạo ra kênh khuyến khích minh bạch hóa về chất lượng, đảm bảo liêm chính học thuật.

Bên cạnh đó, quy định về việc đảm bảo liêm chính học thuật được nêu trong Quy chế 18 để các trường - với tư cách là cơ sở đào tạo tiến sĩ - phải tiếp tục xây dựng, làm rõ yêu cầu này trong quy chế đào tạo tiến sĩ riêng của mình. Quy định của các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ và có các giải pháp trong việc chống đạo văn, đảm bảo liêm chính học thuật. 

Quy chế 18 cũng nâng cao trách nhiệm của nghiên cứu sinh trong quá trình học tập và nghiên cứu, đặc biệt là tuân thủ quy định về thời gian theo hình thức đào tạo chính quy. Theo đó, quy định nghiên cứu sinh phải tập trung đủ thời gian tại cơ sở đào tạo và tham gia sinh hoạt chuyên môn như giảng viên trợ giảng hoặc nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo… 

Quy chế quy định nghiên cứu khoa học là thành phần chính yếu, bắt buộc trong chương trình đào tạo tiến sĩ. Quy định này là tiền đề để các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, hướng vào chất lượng và sản phẩm nghiên cứu minh chứng cho việc thực hiện chương trình.

Quy trình tổ chức phản biện được quy định một cách linh hoạt nhưng lại chặt chẽ, khách quan hơn, nâng cao vai trò giải trình của người học, bảo vệ các quan điểm khoa học.

Quy chế quy định rõ nghiên cứu sinh cần có một kế hoạch học tập toàn khóa (và phải được phê duyệt). Điều này là căn cứ hết sức quan trọng để các cơ sở đào tạo cũng như cơ quan cử nghiên cứu sinh đi học tập, nghiên cứu có thể quản lý quá trình đào tạo một cách minh bạch, hiệu quả. Đây cũng là cơ sở cho việc giám sát của cơ quan chức năng, trong đó có Bộ GDĐT.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn bà!

Theo Nhật Hồng ghi/dantri.com.vn - 13/7/2021

https:///giao-duc-huong-nghiep/bo-gddt-len-tieng-ve-quy-che-dao-tao-tien-si-moi-ha-chuan-gay-tranh-cai-20210713101155292.htm