Chiến dịch đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 không thể thực hiện một sớm một chiều việc phát hiện sớm, truy vết thần tốc, khoanh vùng gọn, dập dịch cũng không thể là biện pháp triệt để lâu dài căn cơ, khống chế dịch bệnh. Để hướng tới mục tiêu sống an toàn hơn thì chỉ khi vaccine được phủ sóng, tiến tới miễn dịch cộng đồng thì cuộc sống của người dân mới có thể trở lại bình thường.
Là những cán bộ chiến sỹ thuộc lực lượng tuyến đầu chống dịch, đại úy Nguyễn Vũ Tập cùng các cán bộ chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh đều cảm thấy vô cùng phấn khởi vì được tiêm vaccine trong đợt này. Tham gia chống dịch từ những ngày đầu tiên, nhưng đến hôm nay, đại úy Nguyễn Vũ Tập cùng các đồng đội mới thực sự yên tâm vì khi được tiêm vaccine chẳng khác nào được khoác lên mình một tấm áo bảo vệ an toàn.
Trong tất cả các dịch bệnh, việc tạo miễn dịch cộng đồng sẽ giúp bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương, những người có bệnh lý nền nặng và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Để đạt được điều đó thì ít nhất phải tiêm vaccine cho khoảng 70-75% dân số. Khi tiêm đủ 2 mũi vaccine khả năng bảo vệ có thể lên tới 90%, càng nhiều người tiêm vaccine thì càng tiến gần đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
Để thực hiện mục tiêu hướng tới miễn dịch cộng đồng, Vĩnh Phúc đang triển khai rất quyết liệt chiến dịch tiêm chủng vaccine cho toàn thể người dân. Tuy nhiên, chiến dịch này không thể một sớm một chiều, nguồn vaccine đang được chuyển về theo từng đợt và sẽ được phân bổ lần lượt theo các nhóm đối tượng ưu tiên.
Trong đợt 3 triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, Vĩnh Phúc nhận được phân bổ số lượng là 15.000 liều vaccine và ưu tiên tiêm chủng cho thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố, các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trước mắt, trong khi chờ đợi được tiêm phòng vaccine, để “đối phó” với đại dịch Covid-19, người dân cần nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế./.
Phương Anh