Theo số liệu thống kê, huyện Lập Thạch có gần 1.400 công dân đang làm ăn sinh sống tại các tỉnh phía Nam, nhiều nhất là ở TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Đây cũng là hai trong số các địa phương có dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Có lẽ bởi xuất thân từ vùng quê trước kia còn nhiều khó khăn, nên mỗi người dân Lập Thạch đi làm ăn xa đều mang trong mình đức tính chịu thương, chịu khó, biết đùm bọc, yêu thương nhau, trách nhiệm với cộng đồng và kiên cường, mạnh mẽ vượt qua khó khăn, thử thách. Dịch đã ập tới, bao nhiêu khó khăn lại bủa vây, khiến người dân lao đao. Ông Đặng Ngọc Sơn sinh sống tại thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, mặc dù hoàn cảnh gia đình vất vả, do vợ bị ung thư, thế nhưng, ông Sơn vẫn tự nguyện tham gia vào công tác phòng, chống dịch cùng chính quyền mà nơi ông đang ở, góp sức nhỏ để chống dịch lây lan.
Trường hợp ông Thành, bà Bình, bà Đường là những người con của quê hương Lập Thạch, vào Nam chạy xe Grap, giúp việc nhà hoặc lượm ve chai. Cuộc sống ngày bình thường đã vất vả với cuộc sống mưu sinh nay dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi khiến cuộc sống lại thêm vất vả. Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mọi người nên mọi người đều chấp nhận chật vật sống trong những căn phòng trọ với bộn bề lo toan “cơm, áo, gạo, tiền” vì đại dịch.
Hội đồng hương Lập Thạch tại TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là bà Khổng Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện Minh Khoa - Một người con của quê hương Lập Thạch cũng đã có những hỗ trợ kịp thời giúp bà con cùng quê hương vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên do số lượng người gặp khó khăn nhiều, doanh nghiệp cũng khó có thể chăm lo hết, hơn lúc nào hết trong lúc này những người con quê hương Lập Thạch đang lao động tự do ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam mong muốn nhận được sự sẻ chia từ quê nhà, giúp họ có thêm tinh thần và vật chất để vượt qua dịch./.
Thùy Linh