Xác định công tác chăm lo đời sống cho các nạn nhân da cam là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa; phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh huy động mọi nguồn lực nhằm chăm lo tốt hơn đời sống cho các nạn nhân.
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có trên 8.000 hội viên nạn nhân chất độc da cam, trong đó số người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng chính sách trên 3.700 người. Tổng số nạn nhân chất độc da cam gián tiếp đang hưởng chính sách trên 1.400 người. Bên cạnh những hội viên có cuộc sống ổn định, vẫn còn không ít hội viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân họ và con cháu đang hằng ngày, hằng giờ phải chống chọi với ốm đau, bệnh tật và nỗi đau dai dẳng do chất độc da cam gây ra. Ðể kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn, bù đắp những thiệt thòi mà nạn nhân chất độc da cam đang phải gánh chịu, tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho các đối tượng. Nhiều phần quà, nhiều ngôi nhà đã được trao đến hội viên từ kinh phí xã hội hóa, sự giúp đỡ ấy phần nào giúp các gia đình nạn nhân giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Năm 2021 là năm kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021), mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến phát triển KT-XH của đất nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, nhưng tỉnh Vĩnh Phúc xác định: Xoa dịu nỗi đau da cam là hoạt động thường xuyên rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành trong tỉnh. Vì vậy, công tác hỗ trợ thực hiện các chính sách, đặc biệt là chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam luôn được ưu tiên hàng đầu. Hy vọng, với sự chung tay của toàn xã hội sẽ góp phần chia sẻ khó khăn với các nạn nhân chất độc da cam, động viên họ vươn lên trong cuộc sống./.
Thu Thủy