Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh gia tăng thủ đoạn giả danh cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gọi điện thoại đến các cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đề nghị mua tài liệu PCCC, nộp tiền tham gia tập huấn công tác PCCC.
Mới đây, chị Trần Thị Duyên ở xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên liên tiếp nhận được 2 cuộc gọi điện thoại của người tự xưng là cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh yêu cầu tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC, với giá 499 nghìn đồng chứng chỉ nghiệp vụ PCCC sẽ được chuyển tận tay chị Duyên không cần đi học. Để đánh vào lòng tin của chị Duyên, ban đầu các đối tượng hướng dẫn, nhắc nhở các hồ sơ liên quan đến PCCC, sau đó thông báo sắp tới có kế hoạch thanh, kiểm tra điều kiện an toàn về PCCC. Khi chị Duyên tỏ ra nghi ngờ thì đối tượng này cúp máy, gọi lại theo số điện thoại đó thì không liên lạc được.
Đây không phải là thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện, nhưng lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gần đây, hành vi này có chiều hướng gia tăng, với nhiều mức giá khác nhau.
Theo quy định, khi làm việc với bất kỳ người dân hoặc cơ sở, doanh nghiệp nào, lực lượng Cảnh sát PCCC đều liên hệ trực tiếp tại cơ sở, không dùng hình thức trao đổi qua điện thoại để tư vấn nội dung liên quan công tác quản lý phòng cháy chữa cháy.
Giả mạo Cảnh sát PCCC là hành vi vi phạm pháp luật nhằm thu lời bất chính, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lực lượng Công an Nhân dân, gây phiền hà cho các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn. Do vậy, mỗi cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác, khi phát hiện những trường hợp có biểu hiện nghi vấn, nhanh chóng thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý hành vi này./.
Kim Liên