Cả Nga, Trung Quốc và Pakistan đều thể hiện sẵn sàng “làm việc” với Taliban ở một mức độ nào đó.
Các nước trong khu vực đều sẽ gia tăng ảnh hưởng đáng kể ở Afghanistan khi Mỹ vội vàng rút quân và Taliban trở lại nắm quyền sau 20 năm.
Hiện nay, cả Nga, Pakistan và Trung Quốc đều tỏ ra sẵn sàng chuyển hướng sang việc “làm việc” với chính quyền Taliban ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, sự trở lại của Taliban cũng khiến những nước này lo ngại rằng Afghanistan sẽ một lần nữa trở thành thiên đường cho các tổ chức khủng bố.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan nói rằng, Taliban đã “phá bỏ xiềng xích nô lệ tinh thần ở Afghanistan” và “Taliban đã giải phóng đất nước của họ khỏi các siêu cường”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẵn sàng phát triển “quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị và hợp tác với Afghanistan”, nhưng cũng nhấn mạnh cam kết của Taliban về việc không để Afghanistan trở thành nơi tổ chức “các hành vi gây bất lợi cho Trung Quốc”.
Nga, nước đã xây dựng phần lớn chính sách đối ngoại của mình xung quanh cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đã phản ứng trước việc Taliban trở lại nắm quyền bằng một chính sách thực tế.
“Nếu so sánh khả năng đàm phán của những người đồng nghiệp và các đối tác, từ lâu tôi đã cho rằng, Taliban có nhiều khả năng đạt được các thỏa thuận hơn so với chính phủ [của Tổng thống Ghani] ở Kabul”, Zamir Kabulov, đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan, cho biết trên kênh truyền hình nhà nước hôm 16/8.
Pakistan
Trong tất cả các nước láng giềng khu vực, Pakistan tỏ ra “hào hứng” nhất với sự trở lại của Taliban ở Afghanistan. Pakistan hy vọng nước này sẽ có nhiều ảnh hưởng và đòn bẩy hơn ở Kabul dưới sự cai trị của Taliban, mang lại cho Islamabad một đồng minh mạnh mẽ trong khu vực phù hợp với các giá trị Hồi giáo của mình.
Ngoài Thủ tướng Imran Khan, nhiều giáo sĩ tôn giáo có ảnh hưởng và các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Pakistan cũng đã công khai thể hiện sự ủng hộ đối với Taliban.
Siraj ul Haq, người đứng đầu chính đảng Hồi giáo Jamaat-e-Islami (JI) của Pakistan cho rằng Taliban có “chiến thắng lịch sử trước một siêu cường” và sẽ tạo ra “một chính phủ Hồi giáo mẫu mực ở Afghanistan”.
Suốt nhiều năm, Pakistan, quốc gia có biên giới dài với Afghanistan, là nơi trú ẩn của các thủ lĩnh Taliban và gia đình của họ, đồng thời là nơi các chiến binh thường được huấn luyện và chăm sóc y tế.
Pakistan phủ nhận việc hỗ trợ quân sự cho lực lượng Taliban của Afghanistan và nói rằng Islamabad thúc đẩy hòa bình trong các cuộc đàm phán Doha. Dù vậy, nhiều người tin rằng ưu tiên chính của Pakistan là để Taliban trở thành một lực lượng chính thống.
Bên cạnh đó, nhiều người lo ngại sự trỗi dậy của Taliban sẽ thúc đẩy sự nổi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Pakistan.
“Người Pakistan vẫn chưa biết điều gì sắp xảy ra với họ”, Ayesha Ijaz Khan, một luật sư và nhà văn người Pakistan nhận định như vậy trong một bài đăng trên trang Twitter cá nhân.
Nga
Lâu nay, Nga chỉ trích sự can thiệp của Mỹ vào Afghanistan. Mặt khác, thất bại của Washington cũng gợi lại thất bại Moscow từ thời Liên Xô.
Tổng thống Nga Vladimir Putin coi chống khủng bố trở thành nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình, so sánh nó với cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít. Tại Syria và Libya, Nga ủng hộ các nhà lãnh đạo lâu năm, khẳng định các chính quyền này đã tạo ra một bức tường thành chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan và hỗn loạn.
Tuy nhiên, ở Afghanistan, Nga có chính sách thực dụng và những tính toán hoàn toàn khác. Mặc dù lâu nay coi Taliban là một nhóm khủng bố, nhưng Nga dường như sẵn sàng làm việc với Taliban nếu lực lượng này có thể đảm bảo an ninh cho các nhà ngoại giao của mình và ngăn các phiến quân tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các đồng minh Trung Á như Uzbekistan và Tajikistan.
Zamir Kabulov, đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Afghanistan, thậm chí còn đưa ra khả năng Nga sẽ công nhận chính quyền Taliban dựa trên “cách cư xử” của các chính quyền mới.
Mặt khác, Nga cũng chuẩn bị cho khả năng những bất ổn lớn xảy ra trong khu vực.
Từ cuối tháng 7, đầu tháng 8, Nga đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự với Uzbekistan và Tajikistan, cũng như các cuộc tập trận riêng biệt với Trung Quốc, nhằm “thể hiện quyết tâm và khả năng chống khủng bố của Nga”. Không phải ngẫu nhiên khi các cuộc tập trận diễn ra trùng thời điểm Taliban liên tiếp chiếm được các thành phố thủ phủ và dần tiến về Kabul.
Trung Quốc
Mặc dù Trung Quốc tỏ ra “khó chịu” về sự can dự của quân đội Mỹ ở Afghanistan, nhưng cuối cùng Bắc Kinh cũng lên tiếng chỉ trích việc Washington rút quân “một cách vô trách nhiệm”.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh bắt đầu coi sự hiện diện liên tục của Mỹ ở Afghanistan là “điều đỡ tệ hại hơn trong 2 cái tệ hại”, theo Andrew Small thuộc Quỹ Marshall, một tổ chức tư vấn của Mỹ.
“Với cuộc gặp hồi tháng trước của Ngoại trưởng Vương Nghị với đại diện Taliban, Trung Quốc dường như đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình huống hiện nay”, ông Small nói.
Dù vậy, Bắc Kinh cũng rất thận trọng về các chính sách đối với chế độ Taliban mới. Trung Quốc coi vấn đề Afghanistan như một vũng lầy, nơi các cường quốc từ Anh đến Liên Xô, và bây giờ là Mỹ, bị mắc kẹt.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi Afghanistan là “nghĩa địa của các đế quốc” và Bắc Kinh không muốn sa vào “Cuộc đại chiến” ở trung tâm lục địa Á-Âu.
Trung Quốc cũng đang thể hiện sự thực dụng trong cách tiếp cận.
“Những gì Trung Quốc có thể làm là tham gia vào công cuộc tái thiết sau chiến tranh, đầu tư để giúp phát triển tương lai của đất nước”, Global Times dẫn lời chuyên gia cấp cao của chính phủ Trung Quốc cho biết hôm 15/8.
Người phát ngôn của Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh ngày 16/8, cho biết Bắc Kinh hoan nghênh cam kết của Taliban rằng họ “sẽ không cho phép lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để thực hiện các hành vi gây bất lợi cho Trung Quốc, cũng như hy vọng của lực lượng này về việc Trung Quốc sẽ tham gia nhiều hơn vào quá trình hòa bình, hòa giải của Afghanistan đóng một vai trò lớn hơn trong việc tái thiết và phát triển kinh tế Afghanistan trong tương lai”.
Nhiều năm qua, Trung Quốc lo ngại về khu vực người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương ở phía Tây và Bắc Kinh đã yêu cầu Taliban không chứa chấp bất cứ nhóm Duy Ngô Nhĩ nào trên lãnh thổ Afghanistan.
“Đó là lý do chính giới chức Bắc Kinh gặp Mullah Mohammed Omar năm 2000, và điều này sẽ vẫn nằm trong danh sách quan tâm của Trung Quốc sau khi cuộc tiếp quản của Taliban hôm 15/8”, nhà phân tích tại Quỹ Marshall, Andrew Small đánh giá./.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) - 18/8/2021
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/trung-quoc-nga-va-pakistan-lo-ro-y-do-o-afghanistan-sau-khi-taliban-tro-lai-883314.vov