Cập nhật: 20/08/2021 09:13:00
Xem cỡ chữ

Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 không chỉ bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong lúc khó khăn do đại dịch. Sau khi nghị quyết ban hành, các địa phương trong tỉnh trong đó có huyện Vĩnh Tường đã khẩn trương xây dựng kế hoạch để triển khai Nghị quyết kịp thời hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Sau khi hoàn thiện các thủ tục và được UBND Huyện Vĩnh Tường phê duyệt, 9 lao động trực tiếp và 8 lao động đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch Covid-19 đang làm việc tại Phòng khám Hà Nội - Vĩnh Tường có địa chỉ tại thị trấn Vĩnh Tường đã được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Tường chi trả tiền hỗ trợ theo nghị quyết 68 của Chính phủ với tổng số tiền hơn 44 triệu đồng.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Phòng khám Hà Nội Vĩnh Tường đã phải đóng cửa tạm dừng hoạt động hơn 1 tháng để phòng, chống dịch. Không có việc làm ổn định, nghỉ việc không lương, đời sống khó khăn, do vậy khi nhận được hỗ trợ của Chính phủ theo nghị quyết 68 với mức hỗ trợ hơn 3,7 triệu đồng/người, người lao động rất phấn khởi.

Để gói hỗ trợ của Chính phủ đến tay người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 một cách kịp thời, đúng đối tượng, UBND Huyện Vĩnh Tường đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn khẩn trương rà soát các đối tượng được hưởng gói hỗ trợ, đặc biệt là đối tượng lao động tự do.

Nghị quyết 68 của Chính phủ đang được huyện Vĩnh Tường và các địa phương triển khai quyết liệt để người lao động và doanh nghiệp có thêm nguồn lực vật chất và tinh thần để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân./.

Ngọc Anh