Cập nhật: 08/09/2021 10:28:00
Xem cỡ chữ

Biến thể Delta vẫn là biến thể "gây lo ngại nhất" bất chấp sự xuất hiện của biến thể Mu, các nhà chức trách y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định ngày 7/9.

Biến thể Mu, được tổ chức WHO đưa vào danh sách các biến thể cần quan tâm vào tuần trước, có một số đột biến có thể thoát khỏi sự bảo vệ của miễn dịch tự nhiên hoặc vaccine, Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO nhận định trong một cuộc họp báo trực tuyến. Dù vậy, biến thể mới, được phát hiện lần đầu tiên và nay đã lan ra ít nhất 39 quốc gia, vẫn chưa áp đảo giống như biến thể Delta.

Các nhà khoa học đang xem xét các mẫu bệnh phẩm từ các bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục ở Brooklyn, New York ngày 8/4/2020. Ảnh: Getty

Các nhà khoa học đang xem xét các mẫu bệnh phẩm từ các bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục ở Brooklyn, New York ngày 8/4/2020. Ảnh: Getty

"Biến thể Delta theo tôi vẫn là biến thể gây lo ngại nhất bởi mức độ lây nhiễm gia tăng", bà Kerkhove nhận định, đồng thời cho biết biển thể này có khả năng lây nhiễm tăng ít nhất gấp đôi so với chủng virus ban đầu được phát hiện vào cuối năm 2019.

Theo WHO, biến thể Delta đã nhanh chóng lây lan ra ít nhất 170 quốc gia, trong đó có Mỹ kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 10/2020, nhanh chóng trở thành biển thể áp đảo tại nhiều khu vực trên.

Biến thể Mu, còn được các nhà khoa học gọi là B.1.621 ngày càng trở nên phổ biến ở các nước Nam Mỹ nhưng cũng đang giảm dần sự lây lan ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là những nơi biến thể Delta vẫn đang hoành hành.

"Bất kỳ virus mới nào xuất hiện đều có thể cạnh tranh để trở nên hoàn hảo nhất và hiện nay vị trí đó đang thuộc về biến thể Delta", ông Mike Ryan, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO cho hay. Biến thể Delta có khả năng cạnh tranh vượt qua các biến thể khác giống như Mu.

Ông Ryan cũng cho rằng: "Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều biến thể giống Delta xuất hiện hơn. Không phải mọi biến thể đều đồng nghĩa với việc 'bầu trời sụp đổ'. Mỗi biến thể đều cần được xem xét những đặc điểm về nguy cơ gây nên các triệu chứng nghiêm trọng, nguy cơ lây nhiễm và nguy cơ thoát khỏi các loại vaccine".

WHO đang theo dõi 4 biến thể "gây lo ngại" gồm: Alpha, biến thể được phát hiện đầu tiên ở Anh; Beta, biến thể được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi, Gamma, biến thể đầu tiên được phát hiện ở Brazil và Delta. Một biến thể gây lo ngại được định nghĩa là biến chủng có khả năng lây nhiễm cao hơn, nguy hiểm hơn hoặc có khả năng chống lại các loại vaccine và phương pháp điều trị hiện tại.

WHO cũng đang theo dõi 4 biến thể cần quan tâm khác, trong đó có Lambda, biến thể được phát hiện lần đầu tiên ở Peru, gây nên những đợt bùng phát ở nhiều quốc gia và có những thay đổi về gen có thể khiến chúng nguy hiểm hơn các biển thể khác.

Trưởng cố vấn y tế của Nhà Trắng Anthony Fauci đã bày tỏ sự lo ngại về biến thể Mu vào tuần trước, song cho rằng đây không phải mối đe dọa ngay lập tức với Mỹ.

"Chúng tôi đang theo dõi nó và chúng tôi đều xem xét mọi thứ như vậy một cách nghiêm túc nhưng chúng tôi không coi nó là mối đe dọa ngay lập tức hiện nay", ông Fauci nhận định.

WHO cho biết cần có nhiều nghiên cứu hơn được tiến hành để hiểu về các đặc tính của biến thể mới.

"Hiện nay nó là biến thể cần quan tâm. Nếu nó gây lo ngại, chúng ta thực sự cần xem xét các triệu chứng và việc phát triển vaccine"./.

Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) – 8/9/2021

https://vov.vn/the-gioi/who-bat-chap-su-xuat-hien-cua-mu-delta-van-la-bien-the-gay-lo-ngai-nhat-888936.vov