Trước nhu cầu cao về nguồn lương thực, thực phẩm cuối năm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai nhiều giải pháp khôi phục, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ngay trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Mô hình bón phân, phun thuốc và thu hoạch nông sản giúp nông dân trong dịch Covid-19 của huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ảnh: HỮU NGHĨA
Theo Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, tổ đã thực hiện kết nối hơn 1.400 đầu mối cung cấp nông sản, tiêu thụ thành công 300 - 400 tấn/ngày.
Thời gian tới, trong điều kiện các địa phương dần kiểm soát được dịch Covid-19 thì yêu cầu cấp bách đặt ra là phải nhanh chóng khôi phục sản xuất để giữ vững sinh kế cho nông dân và bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm.
Duy trì thời vụ, chất lượng nông sản
Huyện Trần Đề - một trong những địa phương có vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng hiện đã xuống giống được khoảng 4.500 ha (kế hoạch cả năm là 4.150 ha), ước đến hết mùa vụ vào cuối tháng 9/2021, toàn huyện sẽ thả giống khoảng 5.000 ha tôm.
Ông Phan Văn Lý Sơn, ở xã Trung Bình cho biết: Đối với những hộ nuôi tôm như chúng tôi hiện nay thì vấn đề khó khăn nhất là thiếu thức ăn nuôi tôm; thiếu lao động công nhật. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất hiện vẫn đang được duy trì và phát triển khi các doanh nghiệp thu mua đều thông tin thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng mạnh cho nên các hộ nuôi cũng đã tính toán phương án sản xuất phù hợp để cung ứng nguồn tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Tại tỉnh Đồng Tháp, vụ lúa thu đông đã xuống giống 107.114 ha, đạt 89,9% so với kế hoạch. Đến nay tỉnh đã thu hoạch 2.091 ha tại huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình, Lấp Vò…, năng suất bình quân 51,46 tạ/ha. Tổng diện tích trồng cây ăn trái là 37.445 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Lai Vung… vẫn đang được tập trung chăm sóc và thu hoạch.
Nhằm duy trì sản xuất nông nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những mô hình sáng tạo hỗ trợ nông dân. Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, Lê Chí Thiện cho biết: Huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập nhanh mô hình bón phân, phun thuốc và thu hoạch nông sản thay nông dân.
Đến nay, huyện có 70 tổ, đội bón phân, phun thuốc, thu hoạch hộ cho nông dân, với 206 thành viên hỗ trợ người dân khi có nhu cầu. Các thành viên tham gia mô hình đều được tạo điều kiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Từ khi thành lập đến nay, các tổ, đội đã hỗ trợ bà con nông dân bón phân, phun thuốc, thu hoạch và tiêu thụ hơn 500 ha nông sản.
Ông Nguyễn Văn Tươi, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thắng (xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) chia sẻ: Hợp tác xã có 25 thành viên, hiện đã xuống giống 400 ha lúa thu đông, sẽ thu hoạch vào đầu tháng 11. Mặc dù việc tiêu thụ lúa thời gian qua có nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng hầu hết nông dân vẫn xuống giống đầy đủ vụ tiếp theo trên tinh thần giữ vững diện tích canh tác. Sản lượng lúa khi thu hoạch sẽ được hợp tác xã hỗ trợ tiêu thụ cho nên đến thời điểm này, bà con khá yên tâm.
Không chỉ nông dân đẩy mạnh sản xuất, mà hiện các doanh nghiệp cũng đã dần được hoạt động trở lại theo yêu cầu, hướng dẫn của từng địa phương, nối lại chuỗi thu mua - chế biến phục vụ xuất khẩu, từ đó tạo động lực cho sản xuất.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng (tại ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Công ty có khu nuôi tôm khoảng 60 ha, hiện nuôi theo hình thức công nghệ cao phục vụ thị trường xuất khẩu. Khi tỉnh Sóc Trăng kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và chuyển sang phân vùng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thì việc sản xuất của công ty khá thuận lợi, nhất là lượng công nhân đã trở lại làm việc nhiều và giá tôm bắt đầu tăng theo từng ngày.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết: Hiện nay, các công ty thành viên của Vĩnh Hoàn tại một số địa phương đã và đang dần khôi phục hoạt động sản xuất - chế biến do nhiều tỉnh có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi lại, thu mua thủy sản; hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị có đủ điều kiện về an toàn dịch bệnh được hoạt động theo phương án ba tại chỗ...
Công ty đang đẩy nhanh thiết lập các vùng đệm xanh phục vụ sản xuất. Tới đây, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, công ty mong muốn không còn bị khống chế 50% số nhân lực làm việc tại nhà máy mà sẽ được tăng lên tùy vào điều kiện đáp ứng chuẩn an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục lại hoàn toàn năng lực, công suất chế biến.
Đẩy mạnh sản xuất
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, trong tháng 10, vụ lúa đông xuân sẽ xuống giống sớm, đây là vụ chính của đồng bằng sông Cửu Long với diện tích gieo trồng khoảng 1,5 triệu héc-ta, sản lượng hơn 10 triệu tấn lúa. Chính vì vậy, nhu cầu vật tư nông nghiệp cung ứng phục vụ sản xuất vụ lúa này cần được chuẩn bị sớm, trong đó cấp bách nhất hiện nay là lúa giống.
Xét nhu cầu lúa giống cho cả vụ ước tính cần hơn 200.000 tấn trong khi năng lực các công ty sản xuất và kinh doanh hạt giống lúa và Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ cung ứng tối đa 100.000 tấn giống. Các hợp tác xã, hộ sản xuất giống kinh doanh và trao đổi giống đạt phẩm cấp có thể cung ứng khoảng 50.000 đến 70.000 tấn giống. Như vậy vẫn còn thiếu khoảng 50.000 tấn. Chính vì vậy, các địa phương phải tìm nguồn cung ứng giống kịp thời, đúng vụ sản xuất bởi nếu nông dân khó tiếp cận giống lúa thì các liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân có thể bị đứt gãy ngay từ khâu cung ứng sản xuất.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, Nguyễn Phước Thiện cho biết: Sở đã ban hành hướng dẫn về tổ chức sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn, hai tuần/lần theo dõi tiến độ sản xuất, hướng dẫn người dân duy trì sản xuất, thực hiện thả nuôi rải vụ. Đối với các địa phương đầu nguồn, khuyến khích tận dụng lợi thế mùa nước nổi phát triển các mô hình nuôi thủy sản mùa lũ nhằm tận dụng nguồn con giống và thức ăn tự nhiên, giảm chi phí đầu tư.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, Đinh Thị Phương Khanh, nguồn lúa giống mặc dù có khó khăn, nhưng tỉnh đã tạm ứng ngân sách cho Trung tâm dịch vụ của tỉnh thu mua lúa giống để bảo đảm cung cấp giống xác nhận cho nông dân. Điều đáng lo ngại là người dân thiếu tiền mua giống cho nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ 50% lúa giống cho nông dân tái sản xuất, kể cả giống vật nuôi.
Xác định rõ khôi phục sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ công tác 970 cho biết: Nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, giữ vững thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Tổ công tác 970 đã đề nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ kiến nghị Chính phủ xây dựng và ban hành nghị quyết về khôi phục sản xuất nông nghiệp trên cả nước. Trong đó ưu tiên cho khôi phục sản xuất nông nghiệp trong và sau đại dịch Covid-19 trong phạm vi các tỉnh Nam Bộ để có căn cứ và cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả tại các địa phương.
Theo đó, các địa phương xây dựng thống nhất kế hoạch sản xuất nông sản, chăn nuôi, thủy sản và có hướng dẫn cụ thể cho nông dân. Đối với các doanh nghiệp, xem xét cho phép mở rộng sản xuất ba tại chỗ khi đủ điều kiện; có thể chuyển từ phương án ba tại chỗ sang phương án “một cung đường, nhiều điểm đến”. Đồng thời xem xét kiến nghị của doanh nghiệp về xây dựng phương án “y tế tại chỗ và ba xanh” (công nhân xanh; nơi ở của công nhân xanh; nhà máy, cơ sở sản xuất xanh, doanh nghiệp được chủ động xử lý y tế), nhằm thúc đẩy sản xuất trên tất cả lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ÁNH TUYẾT, PHONG NGHĨA/nhandan.vn - Ngày 11/9/2021
https://nhandan.vn/nhan-dinh/khoi-phuc-san-xuat-o-vung-nong-nghiep-trong-diem-664346/