Nắm bắt được nhu cầu thức ăn xanh cho chăn nuôi bò, Nhân dân một số địa phương trong tỉnh đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng ngô lấy thân hay còn gọi là ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc.
Vài năm trở lại đây, gia đình bà Vũ Thị Tĩnh, thôn 6, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc chuyển đổi 3 sào đất trồng lúa sang trồng ngô sinh khối SSC586. Theo bà Tĩnh, trồng ngô sinh khối có thuận lợi là rút ngắn thời gian, mỗi vụ chỉ mất khoảng 70 ngày, không phải quá lo lắng về thời tiết, bệnh hại làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng ngô hạt, lại tăng hệ số sử dụng đất và tăng thu nhập cho người trồng.
Hiện nay, huyện Yên Lạc đang đưa những giống ngô sinh khối có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho chăn nuôi. Trong đó vụ hè thu năm 2021, huyện hỗ trợ người dân trồng thử nghiệm giống ngô sinh khối SSC586. Thực tiễn sản xuất cho thấy: giống ngô SSC586 chống chịu sâu bệnh tốt, mật độ trồng dày, bộ lá xanh bền đến khi thu hoạch, thời gian sinh trưởng 70 ngày. Năng suất rất cao, có thể đạt đến 60 đến 65 tấn/ha.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, trồng ngô sinh khối nhất là giống ngô SSC586 có nhiều ưu điểm hơn so với trồng ngô lấy hạt thông thường vì thời gian từ trồng đến thu hoạch ngắn hơn trồng ngô lấy hạt thông thường từ 25 - 35 ngày, góp phần tăng vụ nên có thể trồng 3 - 4 vụ/năm, trong khi trồng ngô lấy hạt tối đa chỉ trồng được 2 - 3 vụ/năm. Chất lượng cây ngô xanh khi thu hoạch vào giai đoạn chín sáp có dưỡng chất đầy đủ và cao nhất nên khi trâu, bò ăn thức ăn từ cây trồng này sẽ cho chất lượng thịt, sữa tốt.
Việc phát triển ngô sinh khối vừa đẩy mạnh phát triển, tăng giá trị sản xuất vụ Đông, giải quyết vấn đề đất ruộng bỏ hoang trong vụ Đông vừa phục vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi, vì vậy, việc khai thác tiềm năng để tạo bước đột phá cho ngô sinh khối sẽ cần phải có sự hợp tác, liên kết sản xuất một cách chặt chẽ, bài bản giữa doanh nghiệp chăn nuôi có nhu cầu với các HTX, cũng như vai trò vào cuộc của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương.
Đặng Thưởng