Cập nhật: 15/09/2021 08:23:00
Xem cỡ chữ

Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễ̃n biến rất phức tạp, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ... Nhiều chỉ dấu cho thấy thu nội địa, khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách, đang có dấu hiệu đuối sức vì dịch bệnh.

Thu ngân sách nhà nước có chiều hướng giảm

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 8 tháng năm 2021, thu ngân sách ước đạt 1.004.200 tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa ước đạt 820.400 tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán. Thu từ dầu thô ước đạt 25.700, bằng 111% dự toán. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 157.500 tỷ đồng, bằng 88,2% dự toán.

Kết quả thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm đạt khá là do kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ (kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế ước tăng 34%). Tuy nhiên, Bộ Tài chính lo ngại tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến rất phức tạp, dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tới. Thực tế, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đang có chiều hướng giảm từ tháng 5/2021 đến nay. Cụ thể, trong 78.600 tỷ đồng thu ngân sách của tháng 8 thì thu nội địa ước đạt 63.200 tỷ đồng, giảm 14.200 tỷ đồng so với tháng 7.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu ngân sách nhà nước đang có chiều hướng giảm (Ảnh minh họa: KT)

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu ngân sách nhà nước đang có chiều hướng giảm (Ảnh minh họa: KT)

Đồng thời, nhiều chỉ dấu cho thấy thu nội địa, khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách, đang có dấu hiệu đuối sức vì dịch bệnh. Theo số liệu của Bộ Tài chính, do ảnh hưởng của đợt dịch tái bùng phát từ tháng 4, diễn biến thu nội địa giảm dần qua các tháng. Tháng 4 thu được 115.600 tỷ đồng (đạt 10,2% dự toán); tháng 5 thu được 85.000 tỷ đồng (7,5% dự toán); tháng 6 thu được 80.500 tỷ đồng (7,1% dự toán); tháng 7 thu được 114.400 tỷ đồng, nếu không kể 37.000 tỷ đồng tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai và nộp theo quý thì chỉ thu được 77.400 tỷ đồng (6,8% dự toán); tháng 8 thu được 63.200 tỷ đồng (5,58% dự toán), giảm 14.200 tỷ đồng so với tháng 7 (không kể thuế thu nhập doanh nghiệp nộp theo quý).

“Thực tế số thu ngân sách tháng 8 đã cho thấy tác động nặng nề, toàn diện của dịch bệnh Covid-19 đến hầu hết hoạt động của nền kinh tế và số thu ngân sách”, ông Cao Anh Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.

Trên thực tế, tính thu theo các sắc thuế, thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp đều đạt thấp nhất trong 20 tháng kể từ tháng 1/2020 đến nay. Số thu giảm mạnh ở hầu hết các sắc thuế chính như: thuế giá trị gia tăng chỉ đạt 57% số thu bình quân 7 tháng đầu năm; thuế tiêu thụ đặc biệt đạt 59,5%; thuế thu nhập cá nhân đạt 60%; thuế bảo vệ môi trường đạt 3.800 tỷ, bằng 72% số thu bình quân 7 tháng đầu năm. Đặc biệt, số thu lệ phí trước bạ tháng 8/2021 chỉ đạt 970 tỷ đồng, mức thấp đột biến kể từ tháng 1/2020, giảm 70% so với mức bình quân 7 tháng đầu năm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cũng cho biết, do dịch bệnh trong tháng 8 hết sức phức tạp, riêng 19 tỉnh phía Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 56 tỷ USD, vì vậy, dự báo, thu ngân sách qua hải quan năm 2022 sẽ rất khó khăn.

Thách thức thu ngân sách trong những tháng cuối năm

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, nhiệm vụ thu ngân sách đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức khi tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm đang ở mức rất thấp. Ngành Tài chính vừa phải đảm bảo kinh phí cho hoạt động của bộ máy, vừa phải đảm bảo chi cho công tác chống dịch.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và nghiêm trọng hơn những dự báo trước đó. Số ca nhiễm tăng cao và những khu vực trọng điểm kinh tế đều bị ngưng trệ, sản xuất kinh doanh bị gián đoạn. Đáng lo ngại, 23 địa phương đang thực hiện giãn cách có số thu chiếm 70% tổng thu ngân sách là hết sức khó khăn.

"Trong tháng 8, số thu ngân sách từ thu nội địa, thu thuế xuất nhập khẩu đều giảm, trong khi phải tăng chi cho phòng chống dịch nên ngành Tài chính phải linh hoạt trong điều hành, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và triệt để tiết kiệm chi”, ông Hồ Đức Phớc nhận định.

Với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, khó đoán như hiện nay, ông Cao Anh Tuấn cho rằng, công tác thu ngân sách trong những tháng cuối năm sẽ còn rất nhiều thách thức. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biễn dịch Covid-19 tại từng địa bàn và tiến độ thu ngân sách tương ứng. Qua đó, kịp thời đánh giá, phân tích cụ thể, đề xuất với các cơ quan chức năng các giải pháp thu hiệu quả, phù hợp với thực tế tại các địa phương.

Đặc biệt, Tổng cục Thuế sẽ tăng cường triển khai các giải pháp thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại qua các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Xây dựng kế hoạch triển khai kết nối cung cấp thông tin cá nhân qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, chỉ đạo, triển khai các biện pháp tăng cường công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, tập trung những lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao trong hoàn thuế./.

Theo Cẩm Tú/VOV.VN - 15/9/2021

https://vov.vn/kinh-te/thu-ngan-sach-noi-dia-co-dau-hieu-duoi-suc-vi-dich-benh-890675.vov