Hiện nay, nhiều sản phẩm của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của Vĩnh Phúc đã và đang dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường, tạo ấn tượng với người tiêu dùng. Ðể khai thác các nguồn lực sẵn có ở địa phương, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện để người dân tham gia chương trình OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Tận dụng những sản phẩm nông nghiệp sẵn có và phát huy nghề làm tương truyền thống tại địa phương, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và chế biến Lương thực - Thực phẩm sạch Thủy Phương đã xây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm tương truyền thống này. Đạt tiêu chuẩn OCOP 3 Sao năm 2019, sản phẩm Tương nếp Thủy Phương từ chỗ chỉ bán trong làng, xã đã có cơ hội vươn ra thị trường các tỉnh phía Bắc.
Sau khi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm Dấm gạo Lưu Xuân VP đã được tham gia trưng bày tại nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Không chỉ vậy, được gắn 3 sao OCOP, sản phẩm dấm gạo của Công ty TNHH Lưu Xuân VP cũng được nâng tầm giá trị, lượng tiêu thụ ra thị trường theo đó cũng tăng lên.
Chỉ sau 2 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, đã có 40 sản phẩm đặc trưng của tỉnh được xếp hạng 3 đến 4 sao. Chương trình đã giúp các đơn vị hoàn thiện hơn về quy trình sản xuất, thiết kế bao bì, xây dựng thương hiệu cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Được chứng nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm này đã nâng cao hơn giá trị thương hiệu của mình và khẳng định sức cạnh tranh trên thị trường.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, việc triển khai có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là cơ sở quan trọng để Vĩnh Phúc thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm và đưa sản phẩm đi xa hơn tại thị trường trong nước.
Hà Giang