Thiết bị kiểm tra khai báo y tế thông minh (Cli - SmartEyes) có thể theo dõi dòng người ra vào với số lượng lớn và phát hiện những trường hợp có nguy cơ lây lan bệnh một cách tự động, thay thế cho việc đo thân nhiệt thủ công, cầm tay, nhằm giảm nguy cơ cho người sử dụng và hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm chéo.
Giải bài toán nhân lực kiểm soát, truy vết
Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế - xã hội từ đầu năm 2020 theo chiều hướng xấu.
Chung tay cùng Chính phủ trong việc đẩy lùi đại dịch COVID-19, đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam với tinh thần trách nhiệm, không ngừng nỗ lực sáng tạo, cống hiến trí tuệ, nhiệt huyết đã kịp thời tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ… hỗ trợ phòng, chống dịch.
Một trong những sản phẩm không thể không nhắc tới khi nói về hiệu quả ứng dụng công nghệ trong cuộc chiến chống lại COVID-19 là Cli - SmartEyes. Đây là một thiết bị chuyên dụng tự động kiểm tra thân nhiệt và quét mã QR code khai báo y tế. Sản phẩm được PGS.TS Phạm Hồng Quang, Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và cộng sự nghiên cứu thành công với tinh thần mang công nghệ hỗ trợ ngành y.
|
Quy trình xác thực kiểm tra y tế với thiết bị CLi-SmartEyes. Ảnh: TL
|
PGS.TS Phạm Hồng Quang chia sẻ, nhóm nghiên cứu thiết kế và sản xuất Cli-SmartEyes bao gồm hơn 20 kỹ sư công nghệ thông tin có kinh nghiệm lâu năm và nhiều sản phẩm ứng dụng đã triển khai trong các lĩnh vực quản lý thành phố thông minh và giao thông thông minh. Từ cuối năm 2020, khi nhận thức được đại dịch có khả năng cao sẽ ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội của người dân, phát huy thế mạnh sẵn có, nhóm đã bắt đầu thiết kế phần cứng, viết phần mềm và sản xuất thử nghiệm thiết bị. Qua nhiều lần thử nghiệm, nâng cấp, đến giữa tháng 8/2021 thì sản phẩm hoàn thiện để ứng dụng.
Chia sẻ về hệ thống kiểm tra y tế điện tử thông minh, PGS.TS Phạm Hồng Quang cho biết, để mở cửa phát triển kinh tế, sống chung với dịch COVID-19, việc kiểm soát chặt chẽ các điểm công cộng là cần thiết. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Y tế, có khoảng 6,5 triệu cơ sở dự kiến triển khai kiểm tra đầu đọc mã y tế cá nhân khi tiến hành mở cửa, bao gồm các cơ quan Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, tòa án, các cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện, xã, các doanh nghiệp, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, bến tàu xe, khu chung cư… Nếu sử dụng nhân lực để kiểm soát, sẽ cần tương ứng ít nhất 6,5 triệu lao động, đầu đọc QRCode và máy tính hoặc điện thoại di động (rất chậm và bất tiện).
“Bài toán này sẽ được giải quyết bằng mắt thông minh - SmartEyes”, PGS.TS Phạm Hồng Quang nhấn mạnh.
Trao đổi cụ thể, PGS.TS Phạm Hồng Quang cho biết, thay vì phải có người trực chốt, đo thân nhiệt, quét mã QR… thì hệ thống này không cần người vận hành. Người đi qua thiết bị quét kiểm tra y tế chỉ cần thực hiện bước tự đưa trán vào cách cảm biến 3cm để đo nhiệt độ, sau đó giơ mã QRCode cá nhân hoặc chụp mã QRcode địa điểm là thiết bị sẽ tự động báo thân nhiệt, cấp độ nguy cơ dịch (trên cơ sở dữ liệu khai báo y tế, lịch sử dịch tễ, tiêm vắc xin, xét nghiệm)… của người dân từ cổng dữ liệu qr.tokhaiyte.vn sẽ hiển thị trên màn hình. Người không đủ điều kiện qua cửa, sẽ có chuông báo, màn hình sẽ báo lý do (sốt, cấp độ nguy cơ dịch cao…).
Thiết bị khá nhỏ gọn, như một chiếc hộp, nhưng bên trong tích hợp nhiều tính năng, từ cảm biến đo thân nhiệt, quét mã QR code khai báo y tế tự động, wifi kết nối, nhận dạng mặt, màn hình, âm thanh, đến cảm biến đo nồng độ oxy trong máu.
Thiết bị bao gồm một máy tính nhúng gắn liền camera; cảm biến đo nhiệt độ hồng ngoại; phần mềm nhận dạng mặt và QRCode; màn hình và còi chip thông báo kết quả kiểm tra y tế. Khi người đến địa điểm kiểm tra làm đủ thủ tục đo nhiệt độ, khai báo mã QRCode y tế cá nhân, phần mềm tự động nối kết với cổng thông tin của Bộ Y tế để hiển thị và cảnh báo tại điểm cảnh tra về nguy cơ lây nhiễm dịch. Các thông tin kiểm tra người đến địa điểm được đưa về Bộ Y tế để phục vụ truy vết sau này.
Chỉ mất tối đa 10 giây để khai báo y tế
Ấn tượng nữa, để bảo đảm xác thực của khai báo y tế qua QR code cá nhân, Cli-SmartEyes còn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện khuôn mặt nhằm phát hiện các trường hợp không trung thực sử dụng QRcode của người khác để lưu thông.
Thêm nữa, thiết bị còn có thiết kế gắn thêm cảm biến đo nồng độ oxy trong máu. Với những người dân cần kiểm tra lượng oxy trong máu cần đặt ngón tay lên cảm biến trên thiết bị vài chục giây thì các dữ liệu về nhịp tim, nhịp thở, lượng SPo2 được hiển thị và hệ thống tự động cảnh báo bằng âm thanh và ghi chú trên màn hình nếu có khả năng bị ốm, khuyến cáo người dân đến cơ sở tham khám y tế gần nhất.
Thiết bị cũng được thiết kế tích hợp quét token điện tử chứa mã QR code tốc độ cao để giảm thiểu thời gian kiểm soát ra vào ở những nơi có lưu lượng vào ra lớn như: khu công nghiệp, công xưởng, nhà máy, các điểm kiểm tra y tế trên đường.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Quang, gần đây việc chồng chéo các ứng dụng chống dịch COVID-19 là vấn đề được quan tâm. Vấn đề này cũng có thể giải quyết được bằng Cli – SmartEyes. Bởi lẽ, hệ thống được kết nối với cổng kiểm tra y tế điện tử QR.tokhaiyte.vn. Thông tin dịch tễ của người dân sẽ được thể hiện trên màn hình khi thực hiện khai báo y tế, không phát sinh ứng dụng mới. Với hệ thống này, mỗi người chỉ mất tối đa 10 giây để khai báo y tế.
|
Hệ thống kiểm soát y tế thông minh CLi-SmartEyes được lắp đặt tại chợ Hàng Da (Hà Nội). Ảnh: NVCC
|
"Do sản xuất trong nước, tự chủ công nghệ nên giá thành sản phẩm khá rẻ so với sản phẩm nhập ngoại. Tùy thuộc vào thiết kế từng tính năng mà sản phẩm có giá dao động khác nhau, nhưng không quá 5 triệu đồng/thiết bị. Hiện nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Công ty Châu Long sản xuất khoảng vài trăm thiết bị ứng dụng tại nhiều địa điểm khác nhau. Nếu được thương mại hóa, sản phẩm sẽ có giá thấp hơn nữa”, PGS.TS Phạm Hồng Quang cho biết.
Hiện nay, hệ thống đã được lắp đặt ở trụ sở UBND phường Cửa Đông (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chợ Hàng Da, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam… để kiểm soát y tế với người ra vào.
Có thể nói, thành công này của PGS.TS Phạm Hồng Quang và các cộng sự chính là sự tiếp nối quan trọng các thành tựu của Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – một đơn vị hoạt động công nghệ cao, đã nghiên cứu và triển khai nhiều dự án, tư vấn, xây dựng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hóa và tính toán hiệu năng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Sản phẩm không chỉ thể hiện sự sáng tạo, chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch mà còn có khả năng ứng dụng rất cao trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Quan trọng nữa, kết quả trên tiếp tục chứng minh khoa học và công nghệ Việt Nam đã từng bước đủ năng lực để giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19./.
Theo Bích Liên- Kim Thanh - 19/9/2021
https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/nha-khoa-hoc-viet-nam-che-tao-mat-thong-minh-gop-phan-phong-chong-dich-covid-19-591324.html