Cập nhật: 24/09/2021 13:20:00
Xem cỡ chữ

Trong 8 tháng năm 2021, kim ngạch hai chiều Việt Nam-Thái Lan đạt gần 13 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan giữ vững vị trí là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong ASEAN.

Doanh nghiep Thai Lan cam ket dau tu tai Viet Nam bat chap dich benh hinh anh 1

Quang cảnh hội thảo trực tuyến. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 23/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan phối hợp với Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo “Hợp tác kinh tế Việt Nam-Thái Lan ứng phó với dịch COVID-19” theo hình thức trực tuyến.

Hội thảo có sự tham gia phát biểu của 15 diễn giả là chuyên gia hàng đầu về kinh tế, nhà quản lý doanh nghiệp của Thái Lan và Việt Nam và các tổ chức quốc tế; thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 200 đại biểu từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước.

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành và Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura đã phát biểu khai mạc và bế mạc hội thảo.

Diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt Nam, Thái Lan và nhiều nước trên thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi sự lây lan mạnh của biến thể Delta; các biện pháp giãn cách gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng và làm thụt lùi các tiến bộ về kinh tế, hội thảo nhằm mục đích chia sẻ thông tin, các nhận định, đánh giá và khuyến nghị từ góc nhìn của các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp đối với các chính sách phục hồi kinh tế, bảo đảm chuỗi cung ứng, cũng như tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Đây cũng là hoạt động điểm nhấn trong năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành nhấn mạnh những thành tựu trong hợp tác kinh tế giữa hai nước. Trong bối cảnh dịch COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều giữ đà tăng trưởng tích cực.

Trong 8 tháng năm 2021, kim ngạch hai chiều đạt gần 13 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2020, đưa Thái Lan giữ vững vị trí là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong ASEAN.

Các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục cam kết đầu tư tại Việt Nam với hơn 600 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 13 tỷ USD.

Đại sứ cảm ơn các doanh nghiệp Thái Lan đã tích cực chung tay cùng chính phủ và nhân dân Việt Nam trong chiến thắng dịch bệnh, bao gồm đóng góp vào Quỹ vaccine, hỗ trợ thiết bị y tế cho các bệnh viện Việt Nam.

Đại sứ khẳng định Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai các biện pháp kiềm chế dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong tình hình “bình thường mới."

Doanh nghiep Thai Lan cam ket dau tu tai Viet Nam bat chap dich benh hinh anh 2

Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura khẳng định dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những thách thức chưa từng có nhưng cũng mang lại những cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp, do vậy khu vực tư nhân cần thích ứng với thời kỳ bình thường mới trong đó có chuyển đổi số, chuyển đổi sang các ngành kinh tế xanh và bền vững.

Tại phiên 1 về các biện pháp phục hồi kinh tế của Việt Nam và Thái Lan, các chuyên gia kinh tế nhận định đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng các nước đều đã bước sang giai đoạn chuẩn bị tích cực cho phục hồi kinh tế với việc đề ra các chính cách vĩ mô phù hợp hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi.

Ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương và chuyên gia Siwat Luangsomboon từ Ngân hàng Kasikorn Bank, cho rằng Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong phục hồi kinh tế, với việc có nền kinh tế mở và tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; khuyến nghị thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi sang kinh tế xanh và bền vững.

Ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Thái-Việt, và ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chia sẻ ý kiến cho rằng không nên chờ dịch bệnh qua đi rồi mới đề ra các biện pháp phục hồi kinh tế mà cần có lộ trình rõ ràng và các biện pháp an toàn để sớm mở cửa trở lại đất nước, trong đó mấu chốt là đẩy nhanh việc tiêm vaccine và nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong tự ứng phó với dịch bệnh.

Ông Audsitti Sroithong, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Thái Lan tại Việt Nam, cho rằng kinh tế sinh học-tuần hoàn-xanh (BCG) sẽ là xu hướng trong thời gian tới giúp các nước phục hồi kinh tế, mở ra cơ hội lớn cho các nước trong khu vực CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) đầu tư vào Thái Lan và ngược lại trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, hạ tầng thông minh, xe điện…

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Ngân hàng BIDV, đề xuất Việt Nam cần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế số nhằm tận dụng ưu thế cũng như chuẩn bị tốt cả về hạ tầng, nguồn nhân lực… cho chuyển đổi số.

Trong khi đó, diễn giả Johnathan Wong, chuyên gia kinh tế của UNESCAP, cho rằng các nước cần thúc đẩy hoạt động kinh tế bao trùm, tạo cơ hội và quyền tiếp cận công bằng đối với các nhóm yếu thế, nâng cao năng lực của khu vực tư nhân.

Tại Phiên 2 về thương mại và đầu tư trong bối cảnh COVID-19, với sự tham gia của doanh nghiệp hai nước đại diện trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, bán lẻ, chế biến thực phẩm, logistics, công nghệ thông tin…

Các doanh nghiệp đã chia sẻ về nhiều biện pháp đã và đang thực hiện nhằm khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch bệnh, đồng thời nêu nhiều khuyến nghị xác đáng, thiết thực đối với Chính phủ hai nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, bảo đảm chuỗi cung ứng.

Doanh nghiep Thai Lan cam ket dau tu tai Viet Nam bat chap dich benh hinh anh 3

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Các doanh nghiệp khuyến nghị Chính phủ hai nước cần sớm có lộ trình mở cửa, kịp thời đề ra các biện pháp nhất quán để doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, hạn chế gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm bớt gánh nặng về tài chính, khắc phục sự thiếu hụt lao động, sụt giảm năng lực sản xuất, gián đoạn vận tải và logistics...

Các doanh nghiệp đánh giá cao các biện pháp quyết liệt của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh, khẳng định luôn tích cực hợp tác và tuân thủ các biện pháp chống dịch; bày tỏ mong muốn tiếp chung tay cùng Chính phủ Việt Nam trong kiềm chế dịch bệnh, phục hồi kinh tế.

Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng ban Thường trực Ban xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh, cũng đã tham dự, phát biểu về các biện pháp thu hút đầu tư của tỉnh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Kết thúc hội thảo, các diễn giả và đại biểu đánh giá cao kết quả đạt được, tin tưởng những khuyến nghị mà chuyên gia, doanh nghiệp hai nước đề xuất sẽ đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế cũng như thúc đẩy hơn nữa thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan trong thời gian tới./.

Theo Ngọc Quang (TTXVN/Vietnam+) – 24/9/21021

https://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-thai-lan-cam-ket-dau-tu-tai-viet-nam-bat-chap-dich-benh/742806.vnp