Viêm amidan là bệnh thường gặp ở tất cả mọi người, nhưng phổ biến nhất vẫn là ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ từ 3 tuổi trở lên. Bệnh thường xảy ra vào lúc giao mùa và thời tiết lạnh, khi mắc viêm amidan sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của trẻ và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm.
Vậy triệu chứng của viêm amidan như thế nào, biến chứng cũng như cách điều trị bệnh ra sao. Bài viết dưới đây giúp các bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Viêm amidan khá phổ biến đối với trẻ nhỏ
Amidan nằm ở phía sau của cổ họng, với chức năng chính là ngăn chặn sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn đối với cơ thể. Mặt khác amidan còn có chức năng tiết ra các kháng thể tự nhiên chống lại sự nhiễm khuẩn. Do một nguyên nhân nào đó mà amidan không thể kháng lại được sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn, làm cho amidan bị sưng lên và viêm.
Hình ảnh viêm amidan
Thông thường viêm amidan được chia thành 2 loại, viêm amidan cấp tính và viêm amidan mạn tính.
Viêm amidan cấp tính
Viêm amidan cấp tính xảy ra khi 2 amidan bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Khi đó người bệnh đau họng, amidan sưng đỏ rất khó chịu.
Viêm amidan mạn tính
Viêm amidan mạn tính xảy ra thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần. Đây là hậu quả của việc viêm amidan cấp tính tái phát nhiều lần, hay do tình trạng hố amidan không lưu thông được gây tích tụ vi khuẩn tạo điều kiện phát triển cho các mầm bệnh, dẫn đến gây tổn thương amidan nghiêm trọng, gây ra tình trạng viêm mạn tính.
Thông thường bệnh tái phát nhiều vào thời gian chuyển mùa, người bệnh ăn uống lạnh và tuỳ theo mức độ viêm nhiễm và phản ứng của cơ thể. Bệnh viêm amidan mạn tính thường gặp ở trẻ em và thanh niên.
Viêm amidan mạn tính thường gặp ở trẻ em và thanh niên.
Nguyên nhân viêm amidan ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ em dễ bị viêm amidan, trong đó phải kể đến tình trạng hệ miễn dịch yếu kém, nên dễ bị tác động bởi yếu tố môi trường. Nếu môi trường bị ô nhiễm, có nhiều khói bụi, chất độc hại… hoặc nơi ở ô nhiễm hóa chất... cũng khiến trẻ dễ mắc phải các vấn đề về đường hô hấp, trong đó có viêm amindan.
Bên cạnh đó, do cấu trúc amidan nằm ở giữa đường thở và đường ăn, do vậy rất dễ tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh. Ngoài ra, cấu trúc khe hốc amidan là nơi cư trú thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh là nguy cơ khiến cho tình trạng viêm amidan.
Tiếp đến là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở thời tiết giao mùa, mùa đông giá lạnh … các loại vi khuẩn và virus vốn có sẵn ở mũi họng hoặc sau khi xuất hiện các bệnh nhiễm khuẩn của đường hô hấp trên… sẽ có cơ hội để phát triển và gây bệnh.
Dấu hiệu viêm amidan ở trẻ em
Khi bị viêm amidan khiến trẻ sốt cao đột ngột, có thể lên đến 39 - 40 độ. Tình trạng viêm amidan ở trẻ sẽ gây ra tình trạng đau họng, cơn đau đôi khi kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Hơi thở có mùi, đau vùng vòm họng gây khó khăn trong quá trình ăn nhai và nuốt nước bọt, kèm theo đó là ho… bé quấy khóc, ăn kém.
Trẻ bị viêm amidan mạn tính sẽ ngáy khi ngủ và chủ yếu thở bằng miệng. Khi nói chuyện, trẻ sẽ phát âm giọng mũi hoặc khó khăn khi phát âm.
Việc phát hiện sớm viêm amidan và điều trị đúng là vô cùng quan trọng
Những điều cần lưu ý để dự phòng viêm amidan ở trẻ
Viêm amidan là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ và có thể tự khỏi nhưng chủ quan không điều trị thì sẽ gây biến chứng nguy hiểm. Những biến chứng thường gặp là viêm tấy và áp-xe quanh amidan. Biến chứng hay gặp tiếp theo là viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản…Và nặng hơn là biến chứng nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp, thấp tim hay gặp do liên cầu tan huyết nhóm A.
Như vậy, việc phát hiện sớm và điều trị đúng là vô cùng quan trọng. Hiện đang là thời điểm giao mùa, diễn biến bất thường của thời tiết càng làm cho bệnh tình ở trẻ thêm phức tạp. Kèm theo đó, dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp nên các gia đình có trẻ nhỏ phải luôn quan tâm đến các biện pháp phòng bệnh .
Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh thì hằng ngày cần giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách, nhất là sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
Bệnh lây nhiễm nên không để cho trẻ đưa tay vào miệng, hạn chế chơi và thổi bong bóng. Nếu bé có biểu hiện viêm mũi có thể dùng nước muối sinh lý NaCl 9% để làm vệ sinh mũi và dụng cụ hút mũi cho trẻ.
Vệ sinh nơi ở, phòng ngủ để trẻ tránh xa môi trường khói thuốc và bụi bẩn. Đối với trẻ hay bị viêm họng, viêm amidan hạn chế cho trẻ ăn các thức ăn lấy trực tiếp ra từ tủ lạnh, uống nước lạnh, ăn đồ lạnh…
Khi trẻ có các triệu chứng viêm amidan cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để trẻ được khám và điều trị kịp thời.
Theo suckhoedoisong.vn - Ngày 1/10/2021
https://suckhoedoisong.vn/viemamidanotre-em-nguyen-nhan-trieu-chung-va-nhung-luu-y-danh-cho-cha-me-169210930130915645.htm