Cập nhật: 07/10/2021 09:00:00
Xem cỡ chữ

Cuộc khủng hoảng thiếu điện đang làm chao đảo các thị trường từ châu Âu sang châu Á. Nhu cầu về các nhiên liệu dùng sưởi ấm hay phát điện như propane, dầu diesel, dầu mazut… đang tăng cao.

Goldman Sachs dự đoán cuộc khủng hoảng sẽ khiến cho lượng tiêu thụ dầu thô lớn hơn trong năm nay khi Trung Quốc lệnh cho các "ông lớn" điện lực trong nước đảm bảo cung ứng điện cho mùa đông bằng mọi giá.

Khủng hoảng năng lượng lan rộng, giá nhiên liệu tăng vọt khắp châu Á - 1

Nguồn cung khí hóa lỏng (LPG) thắt chặt hơn, bao gồm cả propane và butan, đã góp phần làm tăng giá khí đốt trên thị trường toàn cầu (Ảnh: Reuters).

Trên thị trường châu Á, giá propane - một loại khí hóa lỏng thường sử dụng để đun nấu, sản xuất nhựa - đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2016. Trong khi giá dầu mazut tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.

Các nhà máy lọc dầu đang hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng với lợi nhuận từ việc chuyển hóa dầu diesel đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2020, thời điểm trước khi đại dịch làm giảm nhu cầu tiêu thụ.

Theo Bloomberg, tình trạng thiếu điện là do giá nhiên liệu như than và khí đốt tăng cao. Giá các loại nhiên liệu khí hóa lỏng đã tăng lên mức kỷ lục ở thị trường châu Á nhưng vẫn không ngăn cản được Trung Quốc đẩy mạnh mua vào để đảm bảo an ninh năng lượng.

Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco ước tính, cuộc khủng hoảng khí đốt đã làm tăng nhu cầu dầu lên khoảng 500.000 thùng mỗi ngày. Trong khi đó, Goldman Sachs cũng nhận thấy mức tiêu thụ thậm chí còn cao hơn.

Nguồn cung khí hóa lỏng (LPG) thắt chặt hơn, bao gồm cả propane và butan, đã góp phần làm tăng giá khí đốt trên thị trường toàn cầu.

Serena Huang, chuyên gia phân tích tại Vortexa Ltd - nhà cung cấp khí đốt hàng đầu Saudi Arabia, cho biết, các lô hàng LPG của Mỹ đến châu Á trong tháng 9 đã giảm hơn 30% so với tháng trước và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 2. Trong khi đó, giá đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm.

"Hoạt động mua LPG từ các nhà nhập khẩu châu Á có thể sẽ tăng lên trước mùa đông", ông Sam Sng - nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn FGE - nói và cho biết thêm, tồn kho LPG của Nhật đang ở mức khá thấp trong khi nhu cầu pha trộn LPG và LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) sẽ tăng lên ở Hàn Quốc trong vài tháng tới.

Lượng dầu nhiên liệu (hay còn gọi dầu mazut) tồn kho cũng đang giảm dần. Các kho dự trữ dầu mazut tại trung tâm dự trữ Singapore đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm.

Theo nhà phân tích Sandra Octavia tại Energy Aspects Nhật Bản, nhu cầu dầu nhiên liệu tại Nam Á sẽ tăng vào khoảng 85.000 - 90.000 thùng/ngày trong thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022, chủ yếu từ lĩnh vực sản xuất điện.

Ông Victor Shum - Phó Chủ tịch tư vấn năng lượng của IHS Markit - cho biết nhu cầu dự trữ nhiên liệu để sưởi ấm mùa đông cũng đang thúc đẩy nhu cầu dầu hỏa. Việc gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm hóa dầu nói chung đã thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận trong quý IV của các khu phức hợp lọc hóa dầu Singapore tăng khoảng 3,1 USD/thùng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiêu thụ dầu diesel của Trung Quốc đã tăng mạnh trong mùa đông năm ngoái khi các nhà máy đổ xô lắp đặt máy phát điện di động để đảm bảo nhà máy vẫn hoạt động trong thời gian thiếu điện. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong năm nay.

Nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm ở châu Âu cũng tăng vọt, khiến chênh lệch giá với thị trường châu Á càng nới rộng. Tận dụng cơ hội này, các nhà xuất khẩu nhiên liệu ở Ấn Độ đang đẩy mạnh xuất khẩu lên mức cao nhất trong nhiều tháng.

Theo Nhật Linh/dantri.com.vn (nguồn Bloomberg) – 7/10/2021

link gốc