Cập nhật: 15/10/2021 07:35:00
Xem cỡ chữ

Để thu tối thiểu 260.400 tỷ đồng trong Quý 4/2021, ngành Thuế sẽ tập trung rà soát các lĩnh vực còn tiềm năng, các lĩnh vực phát triển tốt trong điều kiện dịch bệnh như: thương mại điện tử, kinh doanh online, chứng khoán, bất động sản...

Ngân sách “căng như dây đàn”

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, số thu ngân sách liên tục có xu hướng giảm qua các tháng, quý và so với thực hiện cùng kỳ. Tổng thu ngân sách tháng 9/2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 52.000 tỷ đồng, bằng 4,7% so với dự toán, bằng 55,8% so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế thu ngân sách do cơ quan Thuế quản lý trong Quý 3/2021 đạt khoảng 239.409 tỷ đồng (chỉ bằng 21,4% dự toán, bằng 88,8% so với cùng kỳ). Trong khi đó, số thu của Quý 1 và Quý 2 lần lượt là 369.688 tỷ đồng và 289.717 tỷ đồng. Như vậy, số thu của Quý 3 chỉ bằng 64% Quý 1 và bằng 71,9% Quý 2.

Cũng theo Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 9, chỉ có 12/18 khoản thu, sắc thuế đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán (đạt trên 75%) và cũng chỉ có 10/18 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu.

Tổng thu ngân sách tháng 9/2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 52.000 tỷ đồng, bằng 4,7% so với dự toán, bằng 55,8% so với cùng kỳ năm 2020 (Ảnh minh họa: KT)

Tổng thu ngân sách tháng 9/2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 52.000 tỷ đồng, bằng 4,7% so với dự toán, bằng 55,8% so với cùng kỳ năm 2020 (Ảnh minh họa: KT)

Lý giải về sự sụt giảm này, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, dịch bệnh diễn biến phức tạp từ tháng 4 và lan rộng ra các tỉnh phía Nam từ tháng 7 đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý thuế của ngành. Mặc dù, thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2021 vẫn bám sát dự toán được giao nhưng nguồn tăng thu tập trung chủ yếu trong 4 tháng đầu năm.

“Từ cuối tháng 4 đến nay, đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát với mức độ lây nhiễm mạnh của các chủng virus mới, diễn biến phức tạp tại một số địa bàn trọng điểm kinh tế và có nhiều khu công nghiệp lớn, khiến các cơ sở thương mại, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ đã có những ảnh hưởng đến kinh tế và số thu ngân sách nhà nước”, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết.

Hơn nữa, để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế trong năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất trong năm 2021. Những giải pháp này đã phát huy hiệu quả giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhưng cũng đã tác động đến tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. Tính đến cuối tháng 9/2021, đã có 138.984 đơn đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất đã được gia hạn là 78.108 tỷ đồng.

Mới đây, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Đáng chú ý, gói hỗ trợ này cũng hướng đến đối tượng dễ chịu tổn thương nhất khi dịch bệnh “càn quét”, đó là các hộ kinh doanh. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất miễn hoàn toàn bất cứ loại thuế phát sinh trong Quý 3-4 của hộ kinh doanh, từ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân… Ngoài ra, tăng gấp đôi mức giảm tiền thuê đất lên đến 30% tổng số thuế phải nộp năm 2021, không giới hạn ngành nghề, phạm vi như trước đây. Nếu đề xuất này được thông qua, có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 21.300 tỷ đồng.

“Gói hỗ trợ mới trị giá 21.300 tỷ đồng, miễn giảm trực tiếp số thuế phải nộp cho doanh nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp không phải chuẩn bị một khoản tiền nộp ngân sách khi đến thời hạn theo quy định, mà dùng nguồn lực đó trang trải những nhu cầu cấp bách hơn như chi phí phòng dịch, hỗ trợ người lao động quay trở lại sản xuất hay thanh toán nguyên vật liệu đầu vào”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế thông tin.

Bình quân mỗi tháng cuối năm phải thu hơn 86.800 tỷ đồng

Nhiệm vụ thu năm 2021 Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Thuế là 1.167.400 tỷ đồng. Như vậy, trong Quý 4, toàn ngành Thuế phải thu tối thiểu 260.400 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải thu hơn 86.800 tỷ đồng.

Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

"Đây là con số rất thách thức trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi cơ quan thuế phải tìm nhiều giải pháp đánh giá rõ các khoản thu ngân sách, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách nhà nước", ông Cao Anh Tuấn nhận định.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, trong những tháng cuối năm, sẽ yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế tăng cường công tác quản lý, phát hiện các trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi để trốn thuế, tránh thuế, dây dưa, chây ỳ nợ thuế... Song song với đó, các cơ quan thuế địa phương sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, trao đổi thông tin với văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương... để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục để triển khai nhanh đối với các dự án, kịp thời đôn đốc các nguồn thu từ đất đai vào NSNN.

“Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với các vụ, đơn vị thuộc Bộ Tài chính để đôn đốc thu các khoản thuộc ngân sách Trung ương như: tiền sử dụng đất, thu phí, thu cổ tức... Đồng thời, rà soát các lĩnh vực còn tiềm năng, các lĩnh vực phát triển tốt trong điều kiện dịch bệnh như: thương mại điện tử, kinh doanh online, chứng khoán, bất động sản,… nhất là tại các thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết./.

Theo Diệp Diệp/VOV.VN - 14/10/2021

https://vov.vn/kinh-te/kinh-doanh-online-chung-khoan-bat-dong-san-vao-tam-ngam-cua-co-quan-thue-897910.vov