Xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng chảy máu ở đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ em với các biểu hiện lâm sàng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc đi ngoài phân có máu.
Xuất huyết tiêu hóa chiếm khoảng 10% - 20% các trường hợp đến khám tại chuyên khoa tiêu hóa. Tuy nhiên, mức độ xuất huyết có thể khác nhau.
Có tới 20% tổng số các đợt xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em là từ đường tiêu hóa trên. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu ước tính rằng tỉ lệ xuất huyết tiêu hóa trên xảy ra từ 1 đến 2 trên 10.000 trẻ em mỗi năm (77% trong số đó phải nhập viện) và việc tiếp xúc với thuốc chống viêm không Steroid (NSAID) chiếm tới 36% tổng số các trường hợp này.
Xuất huyết tiêu hóa nguyên nhân do đâu?
Xuất huyết tiêu hóa trên:
Nguyên nhân của xuất huyết tiêu hóa trên có thể được phân loại theo nhóm tuổi. Ở trẻ sơ sinh, các nguyên nhân chủ yếu bao gồm rối loạn đông máu như thiếu Vitamin K, không dung nạp sữa bò, viêm dạ dày do stress, nhiễm trùng huyết và chấn thương do đặt ống thông mũi dạ dày.
Theo các thống kê các nguyên nhân phổ biến nhất là nuốt phải chất hóa học ăn mòn, dị tật bẩm sinh như nang đôi đường tiêu hóa (Duplication Cysts), dị vật tiêu hóa, viêm thực quản do stress, xuất huyết tiêu hóa do thuốc (ví dụ: sử dụng thuốc chống viêm không Steroid - NSAID) và viêm loét dạ dày tá tràng chảy máu. Nhóm này thường gặp ở trẻ từ 1 tháng đến 1 tuổi.
Viêm loét dạ dày là một trong những nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em
Đối với nguyên nhân viêm thực quản ăn mòn, viêm dạ dày, nuốt phải chất hóa học ăn mòn, xuất huyết do loét dạ dày tá tràng, giãn tĩnh mạch và chảy máu do nôn, chẳng hạn như do vết rách Mallory-Weiss… gặp ở trẻ từ 1 đến 5 tuổi.
Xuất huyết có thể phát sinh do các rối loạn đông máu, viêm dạ dày, tổn thương Dieulafoy (một động mạch bất thường nằm trong đường tiêu hóa), viêm thực quản ăn mòn, loét dạ dày tá tràng, nuốt phải chất hóa học ăn mòn và chảy máu do nôn… thường gặp ở trẻ từ 5 đến 18 tuổi.
Bệnh Crohn là một nguyên nhân không phổ biến của xuất huyết tiêu hóa trên ở trẻ em và thanh thiếu niên. Một số thực phẩm có thể tạo ra sự nhầm lẫn cho trẻ em và cha mẹ khi có màu sắc tương tự như sự xuất hiện máu trong chất nôn (ví dụ: Thực phẩm màu đỏ, đồ uống có hương vị trái cây, nước ép trái cây và củ cải đỏ) hoặc giống sự xuất hiện của phân đen (ví dụ: Sắt, nước ép nho, rau bina, hoặc quả việt quất).
Một số thực phẩm có thể tạo ra sự nhầm lẫn cho trẻ em và cha mẹ khi có màu sắc tương tự như sự xuất hiện máu trong chất nôn
Xuất huyết tiêu hóa dưới:
Xuất huyết tiêu hóa dưới ở trẻ có nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân tại ruột non như: U máu ruột non, viêm ruột hoại tử… ngoài ra nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do các vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập vào niêm mạc ruột cũng có thể gây xuất huyết tiêu hóa dưới ở trẻ. Các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như lồng ruột, viêm loét túi thừa Meckel, viêm đại tràng chảy máu, bệnh Crohn, viêm ruột non hoại tử ở trẻ lớn… cũng là một trong những nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa dưới ở trẻ.
Dấu hiệu nhận biết xuất huyết tiêu hoá
Trẻ xuất hiện các triệu chứng nôn trớ, tiêu chảy, sốt hoặc có tiền sử tiếp xúc với người có triệu chứng tương tự gợi ý nguyên nhân nhiễm khuẩn. Trẻ đi ngoài phân máu kèm theo nôn nhiều hoặc các biểu hiện của tắc ruột gợi ý bệnh lý do xoắn trung tràng, lồng ruột hoặc viêm ruột hoại tử đặc biệt ở trẻ sơ sinh.
Đối với trẻ xuất huyết tiêu hóa có các biểu hiện lâm sàng thiếu máu tùy theo mức độ mất máu. Trẻ khát nước, rối loạn tri giác khi mất một lượng máu lớn cấp tính.
Shock do giảm thể tích tuần hoàn: Thay đổi nhịp tim, huyết áp, thời gian phục hồi màu da (dấu hiệu Refill), thay đổi mạch, huyết áp khi thay đổi tư thế.
Xuất huyết tiêu hóa có thể phát sinh do các rối loạn đông máu, viêm dạ dày...
Khám kỹ vùng tai mũi họng tìm dấu hiệu chảy máu điểm mạch, polyp mũi, tổn thương hầu họng có các chất ăn mòn hoặc thuốc. Khám bụng tìm các sẹo mổ cũ, khối lồng hoặc các triệu chứng của bụng ngoại khoa. Khám các biểu hiện gợi ý nguyên nhân: Gan lách to, tuần hoàn bàng hệ, xuất huyết dưới da…
Trẻ nôn ra máu có thể máu tươi hoặc máu đen trong chất nôn của bệnh nhân. Ngoài ra trẻ đại tiện phân máu. Phân có máu nâu đen, đỏ sẫm hoặc đỏ toàn bãi. Đi ngoài phân đen kèm theo nôn máu gợi ý nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên, phân biệt triệu chứng phân đen do ăn các chất làm cho phân có màu đen (tiết, đỗ đen) hoặc sử dụng các thuốc (sắt, bismuth).
Khi nào bố mẹ cần cho trẻ đến viện cấp cứu ngay?
Người chăm sóc cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay khi trẻ có một trong các dấu hiệu: Trẻ li bì, khó đánh thức. Kích thích, vật vã. Thiếu máu nặng da xanh nhiều, môi nhợt. Nôn máu đỏ tươi hoặc máu cục. Đi ngoài phân đen hoặc máu, mệt hơn sau mỗi lần nôn hoặc đại tiện.
Theo suckhoedoisong.vn - Ngày 12/10/2021
https://suckhoedoisong.vn/xuat-huyet-tieu-hoa-o-tre-em-nguyen-nhan-va-dau-hieu-cha-me-can-biet-de-phat-hien-som-169211010191344848.htm