Không ban hành các quy định mới và bãi bỏ ngay những yêu cầu, điều kiện trái với quy định của cơ quan Trung ương và gây khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Đây là một trong các chỉ đạo quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021. Theo đó, Chính phủ yêu cầu, căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương, khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của năm 2021.
Các địa phương chủ động xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu công nghệ cao...; từng bước mở cửa các nhà máy, phân xưởng sản xuất, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt; chú trọng đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc ngay tại cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, sử dụng nhiều lao động.
Không ban hành các quy định mới và bãi bỏ ngay những yêu cầu, điều kiện trái với quy định của cơ quan Trung ương và gây khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các địa phương phối hợp chặt chẽ để tổ chức việc di chuyển của người dân, người lao động bảo đảm trật tự, an toàn, an dân; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động ở lại địa phương làm việc.
Tiếp tục triển khai kịp thời và hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sớm ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các bộ, cơ quan, địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và đưa vào hoạt động ngay từ tháng 10 năm 2021.
Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về vướng mắc, khó khăn trong thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và công khai kết quả xử lý trên cổng Dịch vụ công quốc gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 20 của tháng cuối quý.
Khẩn trương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó lưu ý nguồn vốn ODA, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 (Thông báo kết luận số 262/TB-VPCP ngày 05/10/2021 của Văn phòng Chính phủ); chủ động, tích cực tháo gỡ vướng mắc theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 15/10/2021.
Tăng cường đôn đốc triển khai có hiệu quả, thiết thực Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; kịp thời hướng dẫn giải quyết những vấn đề còn lúng túng, gây khó khăn cho đối tượng được hỗ trợ. Khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, trình Chính phủ ban hành trong tháng 10 năm 2021.
Tổng hợp, đề xuất phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương trong nước năm 2021 chưa giải ngân của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan, địa phương khác để thực hiện các dự án trọng điểm, cấp bách, dự án kết nối có tác động lan tỏa nhằm nâng cao năng lực hệ thống hạ tầng chiến lược, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số và các dự án cần thiết khác thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 có nhu cầu bổ sung vốn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Các bộ, cơ quan, địa phương trong trường hợp không có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2021 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thì thống nhất chủ trương báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương trong nước năm 2021 còn lại chưa giải ngân của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và số vốn chi đầu tư bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 sang năm 2022 để thực hiện và giải ngân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định./.
Theo PV/VOV.VN – 14/10/2021
https://vov.vn/kinh-te/yeu-cau-bai-bo-ngay-nhung-dieu-kien-trai-voi-quy-dinh-cua-co-quan-trung-uong-897929.vov