Việc hồi phục gặp không ít khó khăn khi người dân, doanh nghiệp đang phải gồng mình trước đợt tăng giá diện rộng nguyên liệu đầu vào sản xuất, kinh doanh.
Nỗi sợ khi chi phí đầu vào tăng chóng mặt
Tăng tốc khôi phục sản xuất sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát là nhiệm vụ hàng đầu nhằm vực dậy nền kinh tế thoát khỏi "ám ảnh" tăng trưởng âm quý III.
Tuy nhiên, việc hồi phục gặp không ít khó khăn khi người dân, doanh nghiệp đang phải "gồng mình" trước đợt tăng giá diện rộng nguyên liệu đầu vào sản xuất, kinh doanh.
"Không chỉ tăng giá mà còn khan hiếm. Doanh nghiệp làm cầm chừng. Làm cũng lỗ mà không làm thì coi như "chết" nên chúng tôi vẫn phải tìm mọi cách để duy trì sản xuất", ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Công ty Thủy sản Thuận Phước - tâm tư khi nói với Dân trí.
Câu chuyện không của riêng ai, các doanh nghiệp thủy sản, dệt may, linh kiện điện tử… cũng phải chịu chung cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng đẩy giá thành sản xuất tăng cao.
Ông Lĩnh cho hay, hiện nhiều nông dân, doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà tái sản xuất. Đợt vừa rồi dịch không bán được, nhiều nông dân chưa tái đàn, nếu có làm thì cũng phải 3 tháng tới mới cho ra sản phẩm.
"Tâm lý của nhiều người chăn nuôi tầm này, đó là lo ngại dịch bùng phát, họ nuôi xong lại lo không bán được. Trong khi giá cả nguyên liệu đầu vào đều tăng chóng mặt", ông Lĩnh chia sẻ.
Công ty của ông Lĩnh hiện chủ yếu là các mặt hàng xuất khẩu, trong đó tôm là chính. Không chỉ khó khăn ở khâu thu mua nguyên liệu vì giá cao và khan hiếm, ông Lĩnh cho biết chi phí còn đang bị đẩy lên ở khâu lưu thông.
"Giá tôm tính ra tăng khoảng 30-40%. Chi phí vận chuyển đắt lên gấp đôi. Thậm chí có những tuyến đường xuất khẩu trước đây chỉ phải trả 2.000 USD, nay lên cả chục lần, còn lại chủ yếu tăng gấp 3-4 lần", ông Lĩnh nói. Về giải pháp ứng phó, Chủ tịch Thủy sản Thuận Phước cho biết vẫn cố gắng đàm phán với đối tác, kêu gọi sự chia sẻ nhưng cơ bản rất khó.
Hiện các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ cũng "đau đầu" với bài toán tương tự khi giá thành nhập khẩu gỗ từ thị trường nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2021, tại thị trường Mỹ, giá gỗ xẻ và gỗ dương nhập khẩu tăng 21%; gỗ sồi tăng 12%, gỗ óc chó tăng 13%...; gỗ nhập khẩu từ thị trường Chile cũng tăng 16% (gỗ xẻ), trong đó giá gỗ thông tăng 17%...
Trong khi đầu vào tăng giá, đầu ra không tăng được tương ứng bởi hiện nay sức mua giảm, doanh nghiệp thậm chí còn phải cố gắng xoay sở làm sao để "kích cầu". Câu chuyện không của riêng ai, các doanh nghiệp dệt may, linh kiện điện tử… cũng phải chịu chung cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng đẩy giá thành sản xuất tăng cao.
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Sunpla - một doanh nghiệp sản xuất khuôn mẫu và linh kiện nhựa ở Bắc Giang - cho biết, đầu vào sản xuất tăng gây khó cho doanh nghiệp. Bởi đối với những sản phẩm gia công, 80% giá trị sản phẩm là nguyên vật liệu.
Theo vị này, Việt Nam đang chịu biến động của giá nguyên vật liệu thế giới rất lớn bởi đa số đều phụ thuộc vào nhập khẩu. Không chỉ tăng giá, nhiều nguyên liệu đầu vào còn khan hiếm, không mua được. Bởi khi hàng hóa tăng giá, dễ xuất hiện tình trạng "găm hàng", lũng đoạn thị trường.
Về giải pháp trước mắt theo ông Cường, doanh nghiệp có thể chuyển sang hướng chỉ nhận gia công, nguyên vật liệu đối tác tự cung ứng. Đối với các sản phẩm doanh nghiệp tự lo nguyên liệu, có thể đàm phán, thảo luận với khách hàng.
Về lâu dài, ông Cường cho rằng Việt Nam muốn đẩy mạnh sản xuất thì phải phát triển được công nghiệp cơ bản, công nghệ nguyên vật liệu, nâng cao tính tự chủ.
Không chỉ sản xuất, việc thực hiện nhiều đại dự án quan trọng hiện nay cũng đang vướng trước biến động giá vật liệu xây dựng. Trong báo cáo về dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết trong thời gian gần đây, thực tế trên thị trường, giá một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu tăng cao, đặc biệt là giá thép xây dựng tăng đột biến đã gây nhiều khó khăn về tài chính cho các nhà thầu thi công xây dựng.
Các giải pháp được đưa ra nhằm đảm bảo tiến độ đại dự án này, đó là phải giải quyết được các khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu (đất, cát, đá) đáp ứng khối lượng, tiến độ thi công các dự án cũng như có giải pháp bình ổn giá, tránh đầu cơ nâng giá.
Đầu vào tăng giá, đầu ra lại ì ạch vì cầu giảm, áp lực lạm phát ra sao?
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình chia sẻ với Dân trí, doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn kép khi đầu vào thì tăng giá, trong khi đầu ra thì ì ạch. Không chỉ ở Việt Nam, cả thị trường thế giới đang chao đảo với bài toán về nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt. Trong khi đó, rất nhiều ngành hàng ở Việt Nam đang phụ thuộc vào việc nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài.
Chưa kể theo ông Bình, việc xăng dầu, than đá hay các năng lượng khác tăng giá đang gây sức ép rất lớn đến vấn đề giá cả. Bởi sản xuất gần như tất cả các mặt hàng ít nhiều đều có liên quan đến xăng dầu hay năng lượng khác...
Bàn về giải pháp, ông Bình cho rằng, rất khó. Công nghiệp phụ trợ của việt Nam còn yếu kém. Hàng hóa sản xuất thì dựa vào nguyên vật liệu nhập khẩu lớn. Ngay đến thủy sản, con cá con tôm của mình, nhưng nguyên liệu, công nghệ chế biến cũng nhập rất lớn từ thế giới.
"Dịch Covid-19 đang làm bộc lộ rõ hơn những điểm yếu bấy lâu nay. Cần nhìn nhận nghiêm túc hơn, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải có cách tiếp cận mới trước bối cảnh này", ông Bình nhận định.
Giá xăng dầu tăng liên tiếp gây áp lực tăng giá cả hàng hóa (Ảnh: N.M).
Theo ông Bình, cường độ sử dụng điện (kWh/1.000 USD) của Việt Nam hiện nay là cao nhất, 928 kWh/1.000 USD. Điều này có nghĩa là khi sử dụng 1 kWh điện thì ở Việt Nam chỉ tạo ra giá trị 1.07 USD, còn Thái Lan có giá trị 2.75 USD, Indonesia có giá trị 4.18 USD. Việc sử dụng năng lượng vào sản xuất còn lớn, ông Bình cho rằng đây cũng là yếu tố cần cải thiện. Bởi lo ngại việc tăng giá năng lượng còn rất lớn.
Một yếu tố khác được ông Bình nhắc tới, đó là việc đảm bảo giảm thiểu chi phí lưu thông trong nước. Cùng với giá nguyên liệu đầu vào, chi phí lưu thông cao cũng khiến giá cả hàng hóa tăng.
Về áp lực lạm phát trước bối cảnh giá cả nguyên liệu hàng hóa tăng cao, ông Bình cho biết, lạm phát năm nay có thể vẫn ở mức dưới 4% như đã đặt ra bởi cầu đang yếu quá, trong khi chính sách tiền tệ thận trọng.
"Chi tiêu yếu. Giá tăng nhưng mà song hành với nó phải là cầu. Như chúng ta đang chịu sức ép về đầu vào, nhưng giá cả đầu ra lại chưa biến động lớn bởi hiện sức mua hạn chế, người dân thắt chặt chi tiêu. Doanh nghiệp rón rén không dám tăng giá", ông Bình nhận định.
Trong khi đó, phía Bộ Công Thương cho biết cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm nay, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,87 tỷ USD.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu trong 9 tháng năm nay được Bộ Công Thương cho biết là kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tăng, các doanh nghiệp của ta đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất. Đồng thời giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu.
"Giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu. Xuất khẩu lại giảm tốc từ tháng 6 đến nay. Trong đó, tháng 6 do dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh; còn trong các tháng 7, 8, 9 dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam", Bộ Công Thương cho hay.
Theo Nguyễn Mạnh dantri.com.vn - 15/10/2021
link gốc