Cập nhật: 18/10/2021 15:57:00
Xem cỡ chữ

Sự suy thoái trên thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm bớt khi ngày càng nhiều nhà phát triển đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, thậm chí số phận "bom nợ" Evergrande cũng chưa chắc chắn.

Nhiều ông lớn bất động sản Trung Quốc bên bờ vực vỡ nợ sau Evergrande - 1

Một điều chắc chắn rằng lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang rất khó khăn (Ảnh: Getty).

Nhiều "ông lớn" bất động sản cảnh báo vỡ nợ...

Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Sinic Holdings khi tuần trước công ty này đã cảnh báo có thể họ không có khả năng hoàn trả khoản nợ trái phiếu nước ngoài trị giá 250 triệu USD đến hạn vào hôm nay (18/10). Cho đến hiện tại công ty này vẫn chưa thông tin gì về việc trả nợ.

Cuối tuần trước, một nhà phát triển bất động sản khác là China Properties Group cũng cho biết đã vỡ nợ với khoản trái phiếu trị giá 226 triệu USD do không thu xếp đủ tiền trước ngày đáo hạn 15/10.

Trước đó, tập đoàn bất động sản Fantasia Holdings cũng đã không thực hiện được khoản thanh toán trái phiếu trị giá 206 triệu USD vào đầu tháng 10.

Tuần trước, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đã lần lượt hạ cấp đối với các công ty bất động sản Trung Quốc.

Trong tuần này, "bom nợ" Evergrande sẽ chính thức vỡ nợ nếu không thanh toán được khoản lãi suất bằng đồng USD đến hạn ngày 23/9 sau 30 ngày gia hạn. Nhà phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới này cũng đã im lặng về các khoản thanh toán cho 4 trái phiếu đến hạn vài tuần trước.

Diễn biến này xảy ra khi ngân hàng trung ương Trung Quốc nói rằng những rủi ro do Evergrande gây ra có thể "kiểm soát được" và hầu hết doanh nghiệp bất động sản khác vẫn ổn định.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu ở nước ngoài nên tích cực thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Hôm qua (17/10), Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dị Cương cũng cho biết các nhà chức trách sẽ cố gắng ngăn chặn các vấn đề của Evergrande lây lan sang các công ty bất động sản khác.

Theo ông, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang "hoạt động tốt" nhưng phải đối mặt với các thách thức như rủi ro vỡ nợ do "quản lý yếu kém" tại một số công ty.

Sau nhiều năm tăng trưởng nhanh chóng nhờ nợ nần chồng chất, các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đang đối mặt với chính sách "ba lằn ranh đỏ" từ Bắc Kinh. Theo đó, chính sách này đã đặt ra một giới hạn nợ liên quan đến dòng tiền, tài sản và mức vốn của công ty.

Nhiều ông lớn bất động sản Trung Quốc bên bờ vực vỡ nợ sau Evergrande - 2

Tuần này, "bom nợ" Evergrande sẽ chính thức vỡ nợ nếu không thanh toán được khoản lãi suất bằng đồng USD đến hạn hồi tháng 9 sau 30 ngày gia hạn (Ảnh: Bloomberg).

... liên tục bị hạ cấp tín nhiệm

Mọi thứ trở nên khó khăn hơn sau chính sách bắt đầu thắt chặt đối với các nhà phát triển bất động sản. Tháng trước Evergrande đã hai lần cảnh báo họ có thể bị vỡ nợ. Kể từ đó, nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc về doanh số này đã bỏ lỡ 3 lần thanh toán lãi suất trái phiếu bằng đồng USD. Cổ phiếu của Evergrande cũng đã bị đình chỉ giao dịch kể từ hôm 4/10. Trong khi đó, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đã hạ bậc đối với các công ty bất động sản khác do lo ngại về dòng tiền của họ.

Tối 15/10, cơ quan xếp hạng S&P đã hạ cấp công ty bất động sản China Aoyuan, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn ở tỉnh Quảng Đông. S&P cho rằng tỷ lệ nợ cao và động thái giảm nợ của công ty này sẽ chậm lại trong năm tới.

Cùng ngày, hãng Fitch cũng hạ cấp tín nhiệm đối với nhà phát triển bất động sản Modern Land với lý do trì hoãn khoản nợ trái phiếu nước ngoài trị giá 250 triệu USD trong 3 tháng.

Trước đó một ngày, S&P cũng đã đánh tụt hạng tín nhiệm của Greenland Holding - một trong những nhà phát triển bất động sản lớn ở Trung Quốc sở hữu nhiều bất động sản đắc địa ở các thành phố như New York, London, Sydney. S&P cho rằng khả năng tiếp cận vốn giảm sẽ làm hạn chế khả năng chống chọi của công ty trước sự suy thoái của ngành bất động sản. Hãng Fitch cũng cho rằng khả năng tạo tiền mặt của Greenland Holding sẽ chậm lại.

Theo công ty nghiên cứu Capital Economics, doanh số bán nhà mới ở Trung Quốc đã giảm trong những tuần gần đây và hiện thấp hơn 25% so với mức năm 2019. "Sự thất bại của Evergrande có lẽ khiến người mua nhà lo ngại về việc liệu các nhà phát triển bất động sản có tuân thủ các cam kết khi bán nhà trước khi hoàn thiện hay không", nhà kinh tế cấp cao Julian Evans-Pritchard của Capital Economics cho biết.

Trong khi đó, việc mua đất cũng giảm xuống khi các nhà phát triển bất động sản phải gấp rút giải quyết tình trạng bán hàng chậm và thiếu tiền. Điều đó sẽ khiến các dự án nhà mới sẽ giảm thêm trong những tháng tới.

"Một điều chắc chắn rằng lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang rất khó khăn", ông nói.

Theo Nhật Linh/dantri.com.vn – 18/10/2021

link gốc