Cập nhật: 20/10/2021 13:37:00
Xem cỡ chữ

Báo cáo gửi tới Quốc hội cho thấy, năm 2021, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành án xong 2.697 việc liên quan đến kinh tế - tham nhũng và thu được trên 4.094 tỷ đồng…

Theo thông tin từ Tổng cục Thi hành án dân sự, báo cáo công tác thi hành án năm 2021 vừa được Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ gửi tới Quốc hội. Báo cáo cho thấy tổng số việc phải thi hành là 843.917 việc, trong đó số việc có điều kiện thi hành là 652.177 và đã thi hành xong là 494.505 việc (đạt 75,82%).

Tổng số tiền phải thi hành án trên 289.000 tỷ đồng và đã thi hành xong trên 46.328 tỷ đồng (đạt trên 31%). Trong kết quả thi hành án kinh tế - tham nhũng đã thi hành xong 2.697 việc, thu được trên 4.094 tỷ đồng…

Trong bối cảnh toàn xã hội bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp phù hợp để chỉ đạo hệ thống thi hành án dân sự cố gắng thực hiện tốt nhất có thể nhiệm vụ được giao. Đặc biệt chú trọng việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; chủ động xác minh, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, các vụ việc phức tạp, kéo dài, có giá trị.

Thu hồi trên 4.000 tỷ đồng từ các vụ liên quan kinh tế, tham nhũng - 1

Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ "Nhôm", cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Bắc Nam 79) tại một phiên tòa.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Kết quả thi hành về việc, về tiền của hệ thống thi hành án giảm so với năm 2020; kết quả thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn thấp so với yêu cầu.

Vẫn còn trường hợp ra quyết định thi hành án thiếu chính xác phải thu hồi, hủy bỏ (chiếm tỷ lệ 0,07%); tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Lý giải nguyên nhân, báo cáo của Bộ Tư pháp cho rằng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện cách ly, phong tỏa, đặc biệt là các địa phương có lượng việc, tiền lớn làm cho các hoạt động thi hành án (chủ yếu tác nghiệp tại cơ sở, thực địa như xác minh điều kiện thi hành án, làm việc trực tiếp với các đương sự để xác minh, kê biên, xử lý tài sản…) bị gián đoạn. Nhiều việc thi hành án tài sản có giá trị lớn đang trong quá trình xử lý hoặc chuẩn bị giao tài sản thì phải tạm dừng đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của hệ thống.

"Số tiền phải thi hành theo các bản án, quyết định trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế rất lớn. Nhiều bản án mới có hiệu lực thi hành, có giá trị tiền, số lượng tài sản kê biên phải xử lý nhiều, cơ quan thi hành án dân sự đang tập trung xác minh, xử lý tài sản để thi hành án nhiều vụ việc người phải thi hành án không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị nhỏ hơn nhiều so với nghĩa vụ thi hành án"-báo cáo chỉ rõ.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn nhiều hạn chế. Việc xử lý hành chính, kể cả xử lý về hình sự chưa đủ mạnh để răn đe đối với các trường hợp cố tình không chấp hành việc thi hành án.

Sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án với các cơ quan có liên quan trong một số trường hợp chưa cao, chưa tích cực, nhất là trong các khâu xác minh tài sản thi hành án, đo vẽ, xác định hiện trạng ranh giới tài sản, đất đai…

Sẽ phối hợp xử lý nhiều bất động sản

Trao đổi với Dân trí trước đó, ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, thực ra tổng số vụ việc thi hành án liên quan đến tham nhũng, kinh tế chiếm một tỷ lệ không nhiều trong tổng số vụ việc mà cơ quan thi hành án đang tổ chức thi hành. Tuy nhiên đây lại là những vụ việc có số lượng tiền, tài sản phải thu hồi rất lớn, nhất là những vụ việc do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.

"Chỉ khoảng trên 100 vụ việc nhưng lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Điển hình như vụ liên quan đến Hứa Thị Phấn, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Phạm Công Danh, vụ Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ "Nhôm") đa phần giá trị phải thu hồi hàng chục ngàn tỷ đồng"- ông Thái nói.

Cùng với việc số tiền phải thu lớn là những vụ rất phức tạp do tài sản kê biên nhiều, ở nhiều địa phương khác nhau, nguồn gốc tài sản cũng không rõ, thuộc sở chung nhiều ngưởi… Để xử lý các tài sản này, cơ quan thi hành án cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương.

"Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi đó là làm sao để thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặt trọng tâm, trọng điểm những vụ án lớn, có điều kiện thu để lãnh đạo, chỉ đạo"- ông Thái cho hay.

Ông dẫn chứng việc sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan thi hành án phối hợp với các cơ quan liên quan để giao cho UBND TPHCM tài sản trên địa bàn là nhà đất tại số 15 Thi Sách; giao Bộ Công an tài sản là nhà đất tại số 129 Pasteur, phường 6, quận 3, TPHCM trong vụ Phan Văn Anh Vũ; giải quyết vướng mắc, tổ chức giao tài sản là khu đất tại đường Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng trong vụ Phan Văn Anh Vũ cho UBND thành phố Đà Nẵng; tổ chức bán đấu giá khu đất 209 đường Trường Chinh, Đà Nẵng; giải quyết các vướng mắc để xử lý theo bản án và theo quy định đối với dự án khu phức hợp Sân vận động Chi Lăng, thành phố Đà Nẵng,...

Theo Thế Kha/dantri.com.vn - 20/10/2021

link gốc