Cập nhật: 22/10/2021 17:18:00
Xem cỡ chữ

Trong Thông báo 272, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu xem xét các giải pháp giảm chi phí mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu.

Cụ thể, trong kết luận Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương theo dõi, đánh giá và nghiên cứu các giải pháp giảm chi phí mặt hàng thiếu yếu như điện, xăng dầu.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan của các Hiệp định thương mại tự do. Đây là tiền đề để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do.

Thủ tướng: Giảm chi phí các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương theo dõi, đánh giá và nghiên cứu các giải pháp giảm chi phí mặt hàng thiếu yếu như điện, xăng dầu (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ngoài ra, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra việc nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hoá, trang thiết bị tạm nhập tái xuất đảm bảo đúng quy định pháp luật, góp phần tăng xuất khẩu, hạn chế nhập siêu.

Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt, thời gian qua, Thủ tướng cùng Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều chính sách vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh như: Đẩy mạnh lưu thông hàng hóa; cơ cấu lại nợ; giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí; gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất; giảm tiền điện và giá điện…

Qua đó, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất có thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, phấn đấu đưa cả nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ hai chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và chiến lược khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Lộ trình trước mắt triển khai "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19".

Không chỉ đề nghị các bộ ngành đưa ra phương án giảm chi phí các mặt hàng thiết yếu, các chính sách của Chính phủ đều hướng đến người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng đặc biệt yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương rà soát các kiến nghị của VCCI, hiệp hội doanh nghiệp để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các kiến nghị phải xử lý theo nguyên tắc "lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ" giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương cũng cần rà soát, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp; khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 đi cùng với thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý của Nhà nước chặt chẽ, hiệu quả. 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về các biện pháp phòng chống dịch cho doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất... Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, rà soát các bất cập đối với vấn đề nhà ở cho công nhân, các dự án, công trình chưa hoàn thành chịu tác động trực tiếp từ các biện pháp chống dịch Covid-19. Bộ Xây dựng sớm trình Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đẩy mạnh, tạo mọi điều kiện cho việc duy trì và phát triển sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh, không để đứt gãy nguồn cung ứng. Bộ cần xây dựng kế hoạch khôi phục thị trường lao động cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo Thế Hưng/dantri.com.vn – 22/10/2021

link gốc