Cập nhật: 27/10/2021 21:30:00
Xem cỡ chữ

Thứ Tư, ngày 27/10/2021, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 8 theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Thong cao bao chi so 8, Ky hop thu 2, Quoc hoi khoa XV hinh anh 1

(Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Thứ Tư, ngày 27/10/2021, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 8 theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về 04 Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế.

Phiên thảo luận đã có 31 ý kiến đại biểu phát biểu và 02 ý kiến đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành các Nghị quyết; đồng thời tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và cho rằng, các báo cáo được chuẩn bị công phu, chất lượng tốt, ngắn gọn, đánh giá khá toàn diện về nội dung dự thảo Nghị quyết.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết như: thẩm quyền ban hành, hồ sơ trình và phạm vi áp dụng; chính sách dư nợ vay; ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố; định mức chi thường xuyên; thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí, tổ chức bộ máy, biên chế trên địa bàn; quản lý đất đai, quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế; hiệu lực thi hành Nghị quyết.

Bên cạnh đó, tại phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần sớm sửa đổi Luật Đất đai; mở rộng thí điểm đến các địa phương, vùng miền khác nhau nhằm đánh giá tổng thể hơn, bảo đảm tính đại diện và liên kết vùng miền; nghiên cứu về mô hình ưu tiên Khu thương mại tự do; cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư cho miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; cơ chế phát triển các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Nguyên; đánh giá việc lượng hóa các chính sách, cơ chế đặc thù quy định cho 4 tỉnh, thành phố này sẽ có ảnh hưởng thế nào đến việc thu ngân sách nhà nước. Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận trực tuyến về: tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Phiên thảo luận đã có 23 ý kiến đại biểu phát biểu. Đa số ý kiến phát biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội (nhất là những kiến nghị của Ủy ban Xã hội).

Các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể.

Về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, các đại biểu tập trung cho ý kiến về đối tượng tham gia, thu, nợ đóng, chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần; việc đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội; thời gian, hình thức, mức hỗ trợ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; chế độ bảo hiểm xã hội đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã; chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; tình hình kết dư, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Bảo hiểm xã hội; bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Về việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong hai năm 2019-2020, các đại biểu tập trung cho ý kiến về công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; thanh quyết toán bảo hiểm y tế; những bất cập trong việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh; chính sách bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giám định, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm y tế; thu, chi và quản lý quỹ bảo hiểm y tế; công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế; việc đầu tư để nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là ở những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; thuận lợi, khó khăn và vướng mắc trong công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh-Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thứ Năm, ngày 28/10/2021, theo dự  kiến, trong Chương trình Kỳ họp, buổi sáng, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Buổi chiều, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)./.

Theo (TTXVN/Vietnam+) – 27/10/2021

https://www.vietnamplus.vn/thong-cao-bao-chi-so-8-ky-hop-thu-2-quoc-hoi-khoa-xv/749363.vnp