Theo kết quả một nghiên cứu mới đây được công bố trên Tạp chí JAMA Network Open, thậm chí vài tháng sau khi điều trị khỏi COVID-19, nhiều bệnh nhân vẫn bị tình trạng suy giảm trí nhớ, khó tập trung và các triệu chứng khác của "sương mù não".
Tình trạng "sương mù não" kéo dài sau mắc COVID-19
Sương mù não liên quan đến các vấn đề về suy nghĩ, trí nhớ và sự tập trung: Hay quên, thiếu tập trung, mệt mỏi và kém minh mẫn… nhưng đối với nhiều bệnh nhân, nó có thể là một thách thức để mô tả chỉ ra các triệu chứng của sương mù não.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, các triệu chứng rối loạn này thường xuất hiện 7 tháng sau khi có chẩn đoán mắc COVID-19, và ở cả những bệnh nhân bị tình trạng bệnh nặng phải nhập viện và ở bệnh nhân bị tình trạng nhẹ được điều trị tại nhà.
Trưởng nhóm nghiên cứu Jacqueline Becker, chuyên gia tâm lý học thần kinh tại Trường đại học y Icahn (Mỹ), cho biết: "Bên cạnh khả năng chịu đựng tình trạng "sương mù não", điều đáng chú ý là nhiều bệnh nhân còn tương đối trẻ và khỏe mạnh. Tuổi trung bình của họ là 49 và hầu hết đều không mắc các bệnh nền như đái tháo đường và tăng huyết áp".
Nghiên cứu mới này là phát hiện mới nhất để hiểu thêm về bí ẩn của COVID-19 kéo dài, tình trạng bao gồm một loạt các triệu chứng dai dẳng sau mắc COVID-19. Điều đáng quan tâm là COVID-19 kéo dài xuất hiện ngay cả ở những bệnh nhân chỉ bị tình trạng bệnh nhẹ.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích 740 bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19 đang được theo dõi giám sát sau mắc bệnh. Trung bình, bệnh nhân đã trải qua hơn 7 tháng sau khi điều trị khỏi COVID-19.
Tình trạng "sương mù não" kéo dài sau mắc COVID-19.
Kết quả cho thấy, các triệu chứng rối loạn nhận thức dai dẳng vẫn phổ biến, bao gồm cả sự suy giảm trong các test kiểm tra khả năng chú ý, trí nhớ và tốc độ tư duy suy luận. Những bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện điều trị bị ảnh hưởng nhiều hơn, cụ thể:
- Hơn 1/3 số bệnh nhân có suy giảm trong các test kiểm tra trí nhớ khác nhau,
- Hơn 1/4 gặp vấn đề về chức năng điều hành, bao gồm các kỹ năng tinh thần, như lập kế hoạch và tổ chức, mà mọi người thường sử dụng để hoàn thành công việc hàng ngày.
- Trong khi đó, ở những bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà, 12-16% bị suy giảm trí nhớ hoặc chức năng điều hành.
Các chuyên gia nói gì?
Theo các chuyên gia, trong cuộc sống hàng ngày, những rối loạn trên có thể biểu hiện ở trạng thái như khó tập trung hoặc mắc sai lầm trong công việc.
Tiến sĩ Lawrence Purpura, người không thuộc nhóm nghiên cứu đã thiết lập một phòng khám COVID-19 kéo dài tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia (Mỹ), cho biết: "Không có gì đáng ngạc nhiên khi một số bệnh nhân COVID-19 sẽ gặp các vấn đề dai dẳng hơn liên quan đến căn bệnh này. Ví dụ, các bác sĩ đều biết những bệnh nhân nặng phải nằm viện có thể bị "hội chứng hậu hồi sức tích cực", tình trạng gồm một loạt các triệu chứng khác nhau bao gồm yếu cơ và mệt mỏi, các vấn đề về nhận thức, căng thẳng sau chấn thương.
COVID-19 kéo dài còn gây ra các triệu chứng: mệt mỏi, đau đầu, đau khớp, nhịp tim nhanh...
Vì SARS-CoV-2 là một loại virus đường hô hấp, nên nó có thể gây ra một số vấn đề về hô hấp kéo dài ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là sự xuất hiện khá phổ biến tình trạng COVID-19 kéo dài ở những bệnh nhân có tình trạng COVID-19 nhẹ".
Trong 1 nghiên cứu độc lập, Purpura và cộng sự đã phát hiện ra rằng những bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ phần lớn đều có ít nhất 1 triệu chứng COVID-19 kéo dài về thần kinh giống như những bệnh nhân bị tình trạng bệnh nặng.
Theo Purpura, trong khi "sương mù não" là một vấn đề, COVID-19 kéo dài còn bao gồm một loạt các triệu chứng, bao gồm mệt mỏi, đau đầu, đau khớp, nhịp tim nhanh và các vấn đề về hệ tiêu hóa. Ông cho rằng: "Giả thuyết đáng tin cậy nhất đó là các tình trạng rối loạn trên có liên quan đến việc kích hoạt quá mức hệ thống miễn dịch. Và việc kích hoạt quá mức như vậy có thể dẫn đến tình trạng viêm lan tỏa trong cơ thể".
Nhóm nghiên cứu cho biết, những bệnh nhân này sẽ dần được cải thiện trong vài tháng. Tuy nhiên, cũng có một tình huống diễn ra khá phổ biến, đó là bệnh nhân bị tái phát khi có tác nhân kích thích, ví dụ như căng thẳng thần kinh quá mức, khiến các triệu chứng rối loạn nhận thức của họ tái diễn trong một thời gian. Vì vậy, học cách điều hòa bản thân là một phần trong việc kiểm soát các triệu chứng rối loạn nhận thức sau mắc COVID-19.
Theo các nhà khoa học, các nghiên cứu vẫn đang được thực hiện để tìm hiểu cơ chế gây ra các tình trạng rối loạn sau mắc COVID-19. Tuy nhiên, sẽ mất khá nhiều thời gian để các nhà nghiên cứu hiểu rõ được cơ chế tự hồi phục ở bệnh nhân hoặc tìm ra biện pháp hiệu quả để kiểm soát các rối loạn này.
Các nhà khoa học cho rằng, một lý do đáng lưu ý là có thể có những nguyên nhân liên quan tới rối loạn sau mắc COVID-19, ví dụ như trong một số trường hợp, các vấn đề về trí nhớ và các triệu chứng rối loạn nhận thức khác có thể liên quan đến trầm cảm. Vì vậy những bệnh nhân có các triệu chứng dai dẳng sau mắc COVID-19 nên đi khám kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Theo suckhoedoisong.vn - Ngày 28/10/2021
https://suckhoedoisong.vn/benh-nhan-covid-19-co-nguy-co-cao-bi-suong-mu-nao-keo-dai-16921102711365134.htm