Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) do Vĩnh Phúc triển khai đã dần đi vào cuộc sống không chỉ giúp các HTX, các hộ sản xuất nâng cao thu nhập, mà còn tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở các địa phương.
Dù mới triển khai chương trình OCOP trên địa bàn, xong xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc đã tận dụng được những thế mạnh của địa phương để phát triển trồng trọt, đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Ngoài các cây ăn quả truyền thống như bưởi, chuối..., người dân trong xã đầu tư hệ thống nhà lưới vào trồng cây dưa lưới, dưa Nhật. Hiện trong xã đã có 2 chủ thể đưa sản phẩm dưa trong nhà lưới của mình tham gia vào chương trình OCOP năm 2021 của tỉnh và được hội đồng đánh giá phân hạng các sản phẩm OCOP đánh giá cao.Từ hiệu quả của chương trình OCOP, các mô hình trồng cây ăn quả, trồng rau trong nhà lưới đang được nhân rộng trên địa bàn xã. Đây là tiền đề tạo ra sức bật cho xã Hồng Châu hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM nâng cao.
Chương trình OCOP đã có tác động tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới bền vững. Không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, các sản phẩm OCOP còn thúc đẩy tích cực phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, làng nghề, từng bước tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân khu vực nông thôn. OCOP được xem là một trong những chương trình phát triển KT-XH quan trọng, giúp các địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Song để xây dựng thành công sản phẩm OCOP không phải là chuyện một sớm một chiều, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền và các chủ thể tham gia.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, năm 2021, tỉnh vẫn lựa chọn được 23 sản phẩm đặc trưng để xếp loại, phân hạng theo chương trình OCOP. Tuy nhiên, chương trình OCOP hiện vẫn chưa phát huy hết thế mạnh tại các địa phương, do vậy, cần xem OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có lợi thế của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bổ trợ cho lộ trình xây dựng nông thôn mới bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và kinh tế của địa phương./.
Hà Giang