Cập nhật: 05/11/2021 11:30:00
Xem cỡ chữ

Giá lợn hơi liên tiếp "lao dốc" trong nhiều tháng gần đây, rồi lại tăng trong thời gian này, có ngày tăng từ 5 đến 10 giá, khiến người chăn nuôi “chóng mặt”. Đáng nói là người chăn nuôi vẫn thua lỗ.

Chăn nuôi lợn nhiều năm, nhưng chưa khi nào anh Nguyễn Văn Tưởng ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái lại cảm thấy bất an như thời điểm này, khi giá thịt lợn hơi gần đây "nhảy múa" liên tục, có ngày tăng giảm 5 đến 7 giá.

Thời điểm cách đây 20 ngày, giá lợn hơi xuống chạm đáy, ở mức trên dưới 30.000 đồng/kg, người chăn nuỗi lỗ trên dưới 3 triệu đồng/con lợn. Hiện nay, dù giá lợn hơi đã tăng lên mức trên dưới 50.000 đồng/kg, nhưng những người chăn nuôi không chủ động được con giống như anh Tưởng vẫn bị lỗ.

Giá lợn hơi liên tiếp "lao dốc" trong nhiều tháng gần đây (Ảnh: Trần Ngọc)

“Cám thì lên 80.000 đồng/bao, lợn giống mua đắt từ 2 triệu tới 2,3 triệu/con. Chi phí như nhà tôi bây giờ thì lỗ khoảng 2,5 triệu/con, chưa kể tiền thuốc, tiền điện”, anh Tưởng than thở.

Không tái đàn, giảm quy mô chăn nuôi, hay cho lợn ăn cầm chừng để hi vọng giá lợn nhích lên... Đây chỉ là một trong số những giải pháp tình thế mà anh Trần Đình Tuấn, ở thôn Thanh Hùng, xã Tân Thịnh, TP.Yên Bái cùng hàng vạn hộ chăn nuôi khác ở tỉnh Yên Bái áp dụng trong thời điểm giá lợn giảm rất mạnh.

Theo anh Tuấn, dù giá đã lên, nhưng với mức trên dưới 50.000đ/kg lợn hơi như hiện nay thì 40 con lợn chuẩn bị xuất chuồng của gia đình anh vẫn lỗ khoảng 60 triệu đồng sau hơn 4 tháng ròng rã chăm sóc. Điều này khiến anh rất băn khoăn trong việc có nên tái đàn nữa hay không?

“Bây giờ không dám vào con giống nữa, phải để từ từ. Cứ giá cả thị trường như này chắc là cũng không dám nuôi”, anh Tuấn nói.

Theo lý giải của các chuyên gia, giá thịt lợn hơi lao dốc thời gian qua chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm mạnh do tác động bởi đại dịch COVID-19; nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, các bếp ăn lớn đóng cửa. Ngoài ra, do các địa phương trên cả nước đã kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi, khiến tổng đàn lợn hiện nay tăng khoảng 3,8%, dẫn đến cung vượt quá cầu. Còn giá bán lợn hơi những ngày gần đây có chiều hướng tăng trở lại là do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn ở các địa phương trong cả nước bắt đầu tăng sau khi nền kinh tế bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, trong điều kiện kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá thành sản xuất nếu chăn nuôi khép kín theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt là khoảng từ 45.000-50.000 đồng/kg; còn chăn nuôi phải mua con giống thì giá thành khoảng từ 53.000-60.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá lợn hơi trên thị trường hiện nay, người chăn nuôi khép kín chưa có lãi, phần còn lại thì thua lỗ nặng, khoảng cách tiếp cận được giá thành sản xuất còn khá xa.

Chăn nuôi thua lỗ khiến người chăn nuôi hiện nay đang rất thận trọng trong việc vào chuồng lứa mới. Điều này sẽ khiến nguồn cung thịt lợn trong những tháng cuối năm có thể sẽ thiếu hụt. Khi đó, giá lợn hơi sẽ tăng cao theo quy luật cung - cầu của thị trường.

Chăn nuôi thua lỗ khiến người chăn nuôi hiện nay đang rất thận trọng trong việc vào chuồng lứa mới (Ảnh: Trần Ngọc)

Ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết, trong bối cảnh hiện nay, ngành chức năng đang có những định hướng để người chăn nuôi vượt qua khó khăn, đảm bảo duy trì được đầu đàn.

“Giải pháp thứ nhất là người chăn nuôi phải chủ động thức ăn tại chỗ để giảm giá thành cho chăn nuôi. Thứ hai là chủ động liên kết các hộ với nhau trong tiêu thụ sản phẩm để tránh bị tư thương ép giá. Thứ ba là trong quá trình sản xuất thì nên đầu tư theo hướng sản xuất khép kín...”, ông Đàm Duy Đức cho biết thêm.

Ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn trong những năm gần đây luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi và sự phát triển bền vững của ngành. Trong những lúc khó khăn như hiện nay, người chăn nuôi rất cần những giải pháp điều tiết kịp thời từ phía các cơ quan quản lý, để ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng sớm phục hồi và ổn định trở lại./.

Theo  Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc – 5/11/2021

https://vov.vn/kinh-te/gia-lon-hoi-nhay-nhot-nguoi-chan-nuoi-tran-tro-viec-tai-dan-902966.vov