Các Sở Công Thương xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa theo từng cấp độ diễn biến của dịch COVID-19 và có kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết.
Các doanh nghiệp sẵn sàng các phương án nhằm đảm bảo nhu cầu mua sắm và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Để chủ động các phương án bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổng hợp, đánh giá cung-cầu các mặt hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá.
Tăng dự trữ hàng thiết yếu
Đại diện Bộ Công Thương, từ cuối tháng 7/2021, dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, nhất là ở các tỉnh phía Nam, sản xuất, kinh doanh tại các địa phương có dịch bệnh bị đình trệ, lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người dân.
Dịch bệnh đã khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa 10 tháng đầu năm giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước (đây cũng là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây).
Đến nay, dịch COVID-19 mặc dù đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, sau thời gian áp dụng các biện pháp kiểm soát đi lại để phòng chống dịch bệnh lây lan, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần khôi phục, nhu cầu hàng hóa, nhất là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng tăng, giá tăng mạnh.
Đáng chú ý, cung-cầu các mặt hàng cũng đang có nhiều biến động, thị trường các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí đốt, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm từ nay đến cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có những biến động tiêu cực.
Vì vậy, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố các Tập đoàn, Tổng công ty, Hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường.
Cụ thể hơn, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết Bộ đã yêu cầu các Sở Công Thương xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa theo từng cấp độ diễn biến của dịch COVID-19 và có kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết.
Do đó, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối trên địa bàn có phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu.
Tại các địa phương, việc dự trữ hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm… thường được giao cho các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường hoặc các doanh nghiệp có hệ thống phân phối rộng trên địa bàn tỉnh, thành phố.
“Trong trường hợp xảy ra biến động thị trường, thông qua các doanh nghiệp này cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện việc điều tiết, kịp thời bổ sung, chi viện hàng hóa giữa các địa phương hoặc các vùng để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung hàng hóa.
Chủ động giải pháp bình ổn thị trường
Về phía các doanh nghiệp cũng sẵn sàng các phương án nhằm đảm bảo nhu cầu mua sắm và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông, dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, cung cấp hàng hóa nên doanh nghiệp đã chuẩn bị nhiều phương án dự trữ qua đó bảo đảm số lượng hàng thiết yếu, giá tốt luôn đầy đủ, không bị thiếu hàng.
“Tại thị trường Hà Nội, hệ thống siêu thị Co.opmart sẽ cố gắng đạt doanh số hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần trị giá 104 tỷ đồng tăng khoảng 5% so với Tết Nguyên đán 2021,” bà Dung nói.
Về phía Hapro, doanh nghiệp này đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần với giá trị hàng hóa tương đương Tết Nguyên đán 2021.
Ngoài nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của thành phố, doanh nghiệp đã chuẩn bị các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến mang thương hiệu Hapro như gạo Hapro Đồng Tháp, hạt điều rang muối, xúc xích, chân giò hun khói… cùng các loại đặc sản vùng miền.
Đặc biệt, để hạn chế tập trung đông người mua sắm, góp phần ngăn chặn dịch COVID-19, Hapro sẽ đẩy mạnh hoạt động bán hàng online thông qua thương mại điện tử.
Hà Nội sẽ tăng cường dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ tiêu dùng dịp Tết. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Trong khi đó, đại diện siêu thị Big C cho biết, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nhâm Dần của doanh nghiệp dự kiến tăng 5-7% so với kế hoạch Tết 2021, trong đó, tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống.
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp thương mại đã tăng cường dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, chủ động nguồn hàng, không để xảy ra khan hàng, sốt giá.
Theo dự kiến, Hà Nội sẽ tăng cường dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gồm gạo, thịt bò, thịt lợn, gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi. Các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, gồm nông, lâm, sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh, mứt, kẹo, nước giải khát. Mặt hàng hoa tươi, may mặc, điện máy cũng được các doanh nghiệp chú trọng dự trữ.
“Để bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp với các địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… đưa nguồn hàng các tỉnh, thành phố về Thủ đô tiêu thụ,” lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho hay./.
Theo Đức Duy (Vietnam+) - Ngày 6/11/2021
https://www.vietnamplus.vn/khong-de-thieu-hang-sot-gia-dip-cuoi-nam-va-tet-nguyen-dan-nham-dan/752320.vnp