Cập nhật: 19/11/2021 07:30:00
Xem cỡ chữ

Tình trạng tràn mủ màng phổi thường gặp ở trẻ em, nhất là ở trẻ bị viêm phổi. Nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể gây tình trạng suy hô hấp, dày dính màng phổi và có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng.

1. Nguyên nhân tràn mủ màng phổi ở trẻ em

Tràn mủ màng phổi do rất nhiều tác nhân gây nên, trong đó thường gặp nhất là vi khuẩn Staphylococcus Aureus, theo ghi nhận vi khuẩn Staphylococcus Aureus chiếm khoảng 60%, vi khuẩn Streptococcus Pneumoniae chiếm khoảng 25%. Một số thủ phạm ít gặp hơn là phế cầu, Klebsiella, Mycoplasma, P.aeruginosa, E.Coli, lao, nấm, ký sinh trùng...

photo-1636987648419

Hình ảnh Xquang phổi của bệnh nhân mắc viêm mủ màng phổi

2. Dấu hiệu nhận biết tràn mủ màng phổi

Thông thường khi bé bị tràn mủ màng phổi có các biểu hiện cơ bản là sốt dai dẳng, lười ăn, mệt mỏi… Kèm theo ho, khó thở… và đa số trẻ đều bị viêm nhiễm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng da, viêm cơ trước đó. Theo nghiên cứu, khoảng 90% các bệnh nhân bị viêm mủ màng phổi khởi đầu bằng biểu hiện ho và sốt, giống như trong các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp thông thường. Chính vì thế cha mẹ thường chủ quan và những triệu chứng không điển hình này cũng dễ dẫn đến chẩn đoán bệnh ở giai đoạn khó khăn. Thực tế tại phòng khám, nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khoang màng phổi đã có rất nhiều mủ, gây khó khăn cho quá trình điều trị.

photo-1636987650222

Có nhiều tác nhân gây tràn mủ màng phổi, trong đó thường gặp nhất là vi khuẩn Staphylococcus Aureus

Dấu hiệu lâm sàng mà các bác sĩ phát hiện trẻ có triệu chứng tràn mủ màng phổi là các biểu hiện nhiễm trùng ( tổng trạng, vẻ mặt nhiễm trùng, nhiệt độ). Trẻ có thể sốt >38,5 độ C, nhịp tim, nhịp thở nhanh. Các biểu hiện tại phổi có thể nhận thấy là ho, đau ngực, thở nhanh. Quan sát thấy giảm di động lồng ngực một bên, giảm thông khí một bên, gõ đục. Chọc dịch khoang màng phổi có dịch mủ.

Kết quả xét nghiệm cho thấy số lượng bạch cầu tăng, CRP tăng, PCT tăng, Lactat tăng. Xquang mờ góc sườn hoành thường một bên, có thể mờ hoàn toàn một bên phổi, trung thất bị đẩy bên phía đối diện…

photo-1636987651816

Triệu chứng tràn mủ màng phổi là các biểu hiện của nhiễm trùng

3. Chẩn đoán xác định tràn mủ màng phổi

Sau khi khám lâm sàng, cận lâm sàng, chọc hút dịch màng phổi ra mủ, dịch vàng đục hoặc soi cấy có hiện diện vi khuẩn, cấy dịch màng phổi để tìm nguyên nhân gây bệnh, làm kháng sinh đồ… Kết quả này còn để chẩn đoán phân biệt với lao màng phổi và tràn dịch màng phổi do dưỡng trấp.

4. Biến chứng tràn mủ màng phổi

Nếu trẻ bị tràn mủ màng phổi cần phải được chẩn đoán và điều trị sớm, điều này giúp tránh được biến chứng lâu dài như: Khả năng giãn nở của phổi và chức năng hô hấp của trẻ.

Các biến chứng có thể gặp là rò khí quản - màng phổi, áp xe phổiviêm mủ màng ngoài tim… Ngoài ra, trẻ có thể gặp các biến chứng viêm xương sườn, vẹo cột sống tạm thời, nhiễm khuẩn huyết…

Vì vậy, khi trẻ có các biểu hiện như trên cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời.

photo-1636987653221

Nếu trẻ bị tràn mủ màng phổi cần phải được chẩn đoán và điều trị sớm

5. Nguyên tắc điều trị tràn mủ màng phổi

Tràn dịch màng phổi là bệnh lý thường gặp ở trẻ và hoàn toàn có thể điều trị khỏi. Tùy từng trường hợp, mức độ bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể với từng bệnh nhi. Tuy nhiên, với nguyên tắc là hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, kháng sinh sau chọc dò màng phổi, đặt dẫn lưu màng phổi sớm, can thiệp ngoại khoa và cuối cùng là vật lý trị liệu… Vì vậy, việc thực hiện nghiêm túc các chỉ định điều trị của các bác sĩ là vô cùng quan trọng.

Nếu trẻ đến viện sớm, việc điều trị sẽ hiệu quả và đơn giản. Còn nếu trẻ nhập viện muộn, thì việc điều trị sẽ khó khăn vì dịch mủ đã tạo thành các khoang vách, nên chọc hút hay dẫn lưu sẽ không kết quả… trẻ cần được phẫu thuật để làm sạch mủ trong khoang màng phổi. Tuy nhiên, phẫu thuật mở ngực ở trẻ nhỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ và về lâu dài vẫn ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của trẻ. Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ bị dày dính màng phổi sau này.

Với tập vật lý trị liệu thường được thực hiện sớm và kéo dài ít nhất 3 tháng. Mục đích tập vật lý trị liệu sớm để mủ thoát ra ngoài dễ dàng hơn và đề phòng dày dính màng phổi về sau. 

Cha mẹ cũng cần thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt, giúp trẻ nhanh bình phục. Cụ thể, cha mẹ cần lưu ý đến chế độ ăn, bổ sung dinh dưỡng đảm bảo về cả số lượng và chất lượng, ăn đủ bữa trong ngày, thức ăn giầu năng lượng, giầu vitamin và khoáng chất giúp trẻ ngon miệng… từ đó, cải thiện được thể trạng và giúp trẻ nhanh bình phục. Để đề phòng tình trạng này, khi trẻ có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp như sốt, ho và khó thở… cha mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ để có chẩn đoán chính xác và kịp thời.

Theo suckhoedoisong.vn  

https://suckhoedoisong.vn/tran-mu-mang-phoi-o-tre-em-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-169211115215458385.htm