Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã thực hiện kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng, tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, rất cần chế tài xử phạt mạnh tay hơn nữa, cùng sự tỉnh táo của người tiêu dùng để tránh “tiền mất, tật mang”.
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thương mại điện tử được xem là giải pháp hữu hiệu vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm, lại giúp người dân phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Việc kinh doanh thông qua các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber... ngày càng phổ biến với sự đa dạng, phong phú về mặt hàng, đem lại nhiều tiện ích. Tuy nhiên, các nền tảng xã hội này cũng đang trở thành “thiên đường” hoạt động của hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, khiến người tiêu dùng nếu không tỉnh táo rất dễ rơi vào ma trận.
Theo thống kê, 10 tháng năm 2021, Cục QLTT tỉnh đã tiến hành kiểm tra 433 cơ sở kinh doanh, phát hiện và xử lý 142 vụ vi phạm kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 1,4 tỷ đồng. Cuối năm là thời điểm giao dịch thương mại điện tử diễn ra sôi động nhất, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Do vậy, để tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên không gian mạng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLTT tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa trên không gian mạng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày càng phổ biến trên sàn kinh doanh thương mại điện tử, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021 nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua thương mại điện tử. Tuy nhiên,với sự phát triển mạnh mẽ của sàn thương mại điện tử, mỗi người dân phải là nhà tiêu dùng thông thái, cân nhắc và lựa chọn trang thông tin uy tín, có nguồn gốc hàng hóa rõ ràng./.
Kim Liên