Cập nhật: 27/11/2021 07:36:00
Xem cỡ chữ

Việc bảo đảm nguồn cung năng lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới đang là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi kế hoạch chủ động ứng phó kịp thời.

Nhu cầu tiêu thụ năng lượng được dự báo sẽ tăng cao sau khi nền kinh tế dần hồi phục sau dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang được đẩy mạnh bù đắp những thiếu hụt do tác động của dịch Covid-19 gây ra. Việc bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới đang là vấn đề cấp thiết đặt ra.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 là rất lớn, tạo áp lực trong nhiệm vụ đảm bảo điện. Tập đoàn đã xây dựng và sẵn sàng cho hai kịch bản. Đó là kịch bản cơ sở, tăng trưởng điện 8,2% tương đương sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỷ kWh và kịch bản cao tăng trưởng 12,4%, tương đương sản lượng điện đạt 286,1 tỷ kWh.

Theo ông Lâm, năm 2022 hệ thống điện quốc gia cơ bản có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện. Quá trình tích nước tại các hồ thủy điện có thể lên mức cao nhất vào cuối năm 2021, nhất là các hồ miền Bắc và điều tiết giữ ở mức cao đến cuối mùa khô để đảm bảo cấp điện năm 2022. « Tuy nhiên, cục bộ tại miền Bắc có thể tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất trong các ngày nắng nóng cực đoan, với nền nhiệt độ trên 36 độ C kéo dài ở các tháng 5, 6, 7. Qua tính toán, khu vực miền Bắc sẽ thiếu khoảng từ 1.500 – 2.400 MW trong một số giờ cao điểm, thời tiết cực đoan”, ông Lâm cho biết.

Nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 là rất lớn, tạo áp lực trong nhiệm vụ đảm bảo điện. (Ảnh minh họa: EVN)

Nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 là rất lớn, tạo áp lực trong nhiệm vụ đảm bảo điện. (Ảnh minh họa: EVN)

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 2 năm qua, tốc độ tăng trưởng năng lượng ở mức thấp, khoảng hơn 3%, thấp hơn nhiều so với các năm kinh tế phát triển bình thường. « Năm 2022, tùy theo diễn biến phục hồi, nhu cầu tiêu thụ điện có thể sẽ tăng mạnh. Điều đó đòi hỏi cần có sự chuẩn bị, có kế hoạch cung ứng điện đáp ứng nhu cầu tăng trưởng sau đại dịch », ông Vũ nhận định.

Cho rằng năng lượng tái tạo thời gian tới cũng sẽ góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo nguồn cung năng lượng, ông Hà Đăng Sơn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh bày tỏ, quan trọng là làm sao đưa vào vận hành có hiệu quả nguồn năng lượng này một cách tốt nhất. EVN sẽ phải đi đầu, lên kế hoạch sớm trong câu chuyện này cũng như chủ động cả về công nghệ lẫn phương án ứng phó.

Giới chuyên gia cho rằng, cùng với những giải pháp về đảm bảo nguồn điện, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời, giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Số liệu từ EVN cho thấy, hệ số đàn hồi điện năm 2019 của Việt Nam đạt 1,29 nhưng vẫn ở mức cao hơn so với các nước phát triển. Việt Nam có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì mỗi năm, cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương đương 2.700 tỷ đồng.

Cùng với đó, khách hàng sinh hoạt hộ gia đình tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Nếu 27 triệu hộ gia đình có thể tiết kiệm 1% điện năng tiêu thụ thì mỗi năm, cả nước có thể tiết kiệm 630 triệu kWh, tương đương hơn 1.170 tỷ đồng.

Theo ông Võ Quang Lâm, để đảm bảo điện cho tăng trưởng phụ tải được dự báo, EVN đã phối hợp với các nhà máy thủy điện nhỏ để ký kết điều chỉnh khung giờ cao điểm các nhà máy này vào các giờ phù hợp với nhu cầu phụ tải. Điều này góp phần rất lớn trong việc giảm thiếu điện trong các giờ cao điểm của miền Bắc. Ngoài ra, tập đoàn cùng các đơn vị sẽ tăng cường nghiên cứu đầu tư các hệ thống lưu trữ điện, tăng nhập khẩu điện từ Lào…

«Để thúc đẩy các chương trình quản lý phía nhu cầu, điều chỉnh phụ tải điện, dịch vụ tiết kiệm điện thì Chính phủ cần ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích tài chính, hỗ trợ giá, vay vốn với lãi suất ưu đãi, giảm thuế... cho mọi thành phần kinh tế tham gia. Ngoài ra, có các quy định về xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức không thực hành tốt trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...”, Phó Tổng giám đốc EVN đánh giá.

Việt Nam có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. (Ảnh minh họa: EVN)

Việt Nam có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. (Ảnh minh họa: EVN)

Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thì cho rằng, việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là vấn đề đã được nhà nước quan tâm, ban hành nhiều quyết định chỉ đạo. Tuy nhiên, thời gian tới cần phải lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.

"Cần lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Đồng thời, không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam...", ông Trịnh Quốc Vũ chỉ rõ./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/giai-bai-toan-nang-luong-cho-qua-trinh-phuc-hoi-kinh-te-907766.vov