Cập nhật: 27/11/2021 10:15:00
Xem cỡ chữ

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững cho nông nghiệp tỉnh nhà đang là mục tiêu ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc hướng tới. Tuy nhiên, hành trình này còn không ít gian nan, thách thức, cần sự vào cuộc quyết liệt từ cơ quan chức năng, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông.

Chỉ với thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, việc tưới tiêu cho toàn bộ diện tích cây trồng của nông trại Đào Gia trang được thực hiện tự động. Thiết bị cảm ứng nhiệt độ, độ ẩm sẽ tự động điều chỉnh chế độ tưới, việc bón phân cho cây trồng cũng được tự động hóa, nhờ đó giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định nhất. Nhờ được chăm sóc theo quy trình khắt khe, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của nông trại đạt tiêu chuẩn để đưa vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đang được nhiều nông dân Vĩnh Phúc chủ động đầu tư. Các mô hình nhà màng, nhà lưới, trồng cây trên giá thể, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới tự động, tự động điều chỉnh lượng gió, ánh sáng ... trong trồng trọt ngày một trở nên phổ biến và nhân rộng. Nhờ vậy, không chỉ tiết kiệm nhân công mà còn nâng cao năng suất cây trồng nhiều lần so với phương thức cũ. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0,việc sử dụng mạng xã hội để kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đang được nhiều tổ chức, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể khai thác có hiệu quả.

Chuyển đổi số chính là chìa khóa quan trọng giúp nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Phương thức này có thể kết nối trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng, loại bỏ khâu trung gian giúp giá cả nông sản ổn định. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa thực sự bao phủ rộng rãi. Bởi trong tiến trình ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nông nghiệp, diện tích đất sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tập quán và ý thức sản xuất của người dân còn tự do thiếu liên kết, trong khi trình độ ứng dụng công nghệ của đa phần nông dân hiện nay thấp, nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Vì vậy, những chính sách hỗ trợ, những mô hình điểm của tỉnh sẽ là căn cứ để người dân từng bước chuyển đổi tư duy sản xuất.

Trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 6/2020, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước. Theo đó, chuyển đổi số quốc gia lĩnh vực nông nghiệp sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Để lĩnh vực nông nghiệp bắt nhịp công cuộc chuyển đổi số, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đang từng bước ứng dụng công nghệ số nhằm tự động hóa các quy quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm; thực hiện chuyển đổi số trong công tác dự báo, cảnh báo thị trường; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp. Cùng với ngành nông nghiệp, người nông dân chính là một chìa khóa then chốt trong công cuộc chuyển đổi số./.

Hà Giang