Cập nhật: 31/12/2021 07:39:00
Xem cỡ chữ

Số ca nhập bệnh viện nhi ở Thành phố New York (Mỹ) tăng gấp 5 lần trong tháng này, gần gấp đôi con số được ghi nhận ở Washington, DC (Mỹ). Và tính trên toàn nước Mỹ, trung bình số trẻ nhập viện đã tăng 35% chỉ trong tuần qua.

1. Gia tăng số ca nhiễm Omicron phải nhập viện ở trẻ em

Biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao đang "hợp lực" với mùa nghỉ lễ sôi động gây nhiễm bệnh cho nhiều trẻ em trên khắp nước Mỹ, và các bệnh viện nhi trên toàn nước Mỹ đang chuẩn bị cho tình huống xấu hơn có thể xảy ra.

TS. Stanley Spinner, Giám đốc y tế thuộc Trung tâm chăm sóc Nhi khoa Texas (Mỹ) cho biết: "Các trường hợp nhiễm bệnh đang tiếp tục gia tăng trong dịp Giáng sinh, thể hiện với số ca bệnh tăng nhiều trong tuần này. Những ngày tới, nhân dịp đón mừng năm mới, mọi người sẽ tụ tập nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn và có thể dẫn đến số ca nhiễm Omicron tiếp tục gia tăng".

Theo TS. Claudia Hoyen, Giám đốc Kiểm soát nhiễm trùng nhi tại Bệnh viện nhi UH Rainbow ở Cleveland (Mỹ): "Trong khi biến thể Delta lây nhiễm cho nhiều trẻ em hơn các biến thể trước đó, thì giờ đây Omicron thậm chí còn gây tình trạng nghiêm trọng hơn thế.

Điều đáng lo ngại là ở người lớn với số ca mắc COVID-19 nhiều nhưng tương đối ít trường hợp phải nhập viện, trong khi số trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện ngày càng gia tăng. Đây thực sự là điều đáng quan tâm, đặc biệt với trẻ ở độ tuổi chưa thể tiêm vaccine, hoặc đủ độ tuổi nhưng chưa được tiêm hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ".

Theo các nhà khoa học, cho đến nay có rất ít bằng chứng cho thấy biến thể Omicron gây ra tình trạng bệnh nặng hơn ở trẻ em so với các biến thể trước đó, nhưng cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy nó nhẹ hơn.

Hầu hết những trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện đều chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ và do vậy chắc chắn trẻ sẽ không có được sự bảo vệ đầy đủ từ vaccine.

Gia tăng nguy cơ nhập viện ở trẻ em khi nhiễm biến thể Omicron - Ảnh 2.

Biến thể Omicron đang tấn công trẻ em do nhiều trẻ chưa được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

2. Trẻ em có thể là đối tượng lây nhiễm mới của SARS-CoV-2

TS. Juan Salazar, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa Connecticut ở Hartford (Mỹ) cảnh báo, trẻ em là đối tượng dễ dàng bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

"SARS-CoV-2 tác động đến các cộng đồng lớn hơn và chắc chắn tác động đến trẻ em theo cách mà chúng tôi chưa từng biết đến. Và hiện nay dường như SARS-CoV-2 đã tìm thấy đối tượng thích hợp để lây nhiễm, đó là những trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện tiêm chủng hoặc những đứa trẻ lớn hơn chưa được tiêm chủng, hoặc tiêm chủng không đầy đủ" - TS. Salazr nói.

Ngoài ra, các nhà khoa học cho rằng, có lẽ hiện nay SARS-CoV-2 có nguy cơ lây nhiễm rộng rãi hơn khi các cuộc tụ họp được diễn ra nhiều hơn. Bên cạnh đó, một số người có thể không đeo khẩu trang vì họ cảm thấy quá mệt mỏi trong thời gian qua. Cũng có thể một số người sẽ không sẵn sàng tuân thủ các biện pháp cách ly nghiêm ngặt như đã từng được áp dụng trước đây. Tất cả những điều này có thể khiến biến thể Omicron lây nhiễm rộng rãi hơn, đặc biệt ở trẻ em.

3. Mặc dù nhẹ nhưng cần cảnh giác nguy cơ nhiễm Omicron

TS. Jennifer Owensby, Chuyên gia nhi khoa tại Trường Y khoa Rutgers Robert Wood Johnson (Mỹ), cho biết: "Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng số ca trẻ em dương tính với SARS-CoV-2 nhưng dường như các bệnh nhi ở tình trạng nhẹ".

TS. Roberta DeBiasi, Giám đốc các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi quốc gia (Mỹ) cũng cho biết: "Những trẻ bị nhiễm Omicron có vẻ không nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó, nhưng nhiều trẻ có xuất hiện triệu chứng hơn trước".

Tại Thành phố New York, TS. Mary Bassett, ủy viên y tế bang cho hay: "Số ca nhập bệnh viện nhi vì COVID-19 đã tăng gần 5 lần kể từ ngày 11/12/2021. Trong vòng tuần thứ 2 của tháng 12/2021, 22 trẻ em phải nhập viện vào các bệnh viện ở Thành phố New York, nhưng chỉ 1 tuần tiếp theo số ca nhập viện điều trị đã là 109 trẻ. Trên toàn bang trong cùng thời điểm, số ca nhập viện đã tăng 2,5 lần, cụ thể từ 70 trẻ nhập viện lên thành 184 trẻ nhập viện".

Gia tăng nguy cơ nhập viện ở trẻ em khi nhiễm biến thể Omicron - Ảnh 3.

Khẩu trang và giữ khoảng cách trong lớp học để phòng bệnh.

4. Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em

Theo các bác sĩ nhi khoa, trẻ em ở tất cả các lứa tuổi đều bị ảnh hưởng bởi COVID-19, từ trẻ sơ sinh đến thanh thiếu niên. Điều đáng lo ngại là COVID-19 có thể gây ra Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C).

"MIS-C có thể xuất hiện sớm nhất sau nhiễm SARS-CoV-2 từ 2 đến 3 tuần, nhưng ở hầu hết các trường hợp, MIS-C bắt đầu xuất hiện sau 8 đến 10 tuần kể từ khi nhiễm bệnh" - TS. Jennifer Owensby nói.

Theo các chuyên gia, MIS-C được biểu hiện bằng tình trạng viêm tim và các cơ quan khác và thường gặp ở những trẻ không bị tình trạng COVID-19 nặng. Và điều đáng ngại là thông thường trước đó trẻ hoàn toàn bình thường và không có tiền sử bệnh lý, nhưng sau đó có thể rơi vào tình trạng suy tim và sốc.

CDC Mỹ cho biết, cho đến nay đã có 5.973 trường hợp MIS-C được ghi nhận và 52 trẻ đã tử vong vì MIS-C. Mặc dù các triệu chứng COVID-19 ở trẻ em có thể nhẹ, nhưng MIS-C là tình trạng nghiêm trọng.

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên: "Cha mẹ cần quan tâm và theo dõi sát trẻ để đảm bảo chúng được an toàn, cụ thể trẻ nên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp xúc để phòng ngừa nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, cả gia đình nên tiêm vaccine phòng COVID-19 khi đủ điều kiện. Việc thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho người thân trong gia đình của trẻ cũng sẽ giúp bảo vệ trẻ giảm nguy cơ nhiễm bệnh".

Theo suckhoedoisong.vn 

 https://suckhoedoisong.vn/gia-tang-nguy-co-nhap-vien-o-tre-em-khi-nhiem-bien-the-omicron-169211229100642531.htm