Với mục tiêu con người là trung tâm của sự phát triển, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Vĩnh Phúc luôn thực hiện nhất quán chiến lược phát triển kinh tế, gắn với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân.
Ngay khi mới tái lập tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn được tỉnh quan tâm. Tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách đi tiên phong trong cả nước. Điển hình là việc ban hành Nghị quyết số 10 ngày 01/11/2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2001- 2005 và Nghị quyết 03 ngày 27/12/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020. Từ những cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, sản xuất nông nghiệp ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức; loại hình sản xuất quy mô vừa và lớn dần được hình thành, kinh tế trang trại sản xuất hàng hóa, đặc biệt là trang trại chăn nuôi, thủy sản bắt đầu phát triển. Cũng từ đó, ngày càng có nhiều hộ dân đã tận dụng nguồn lực đất đai, nguồn vốn ưu đãi, tiếp cận khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Những kết quả của các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân là tiền đề để Vĩnh Phúc đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 36 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bộ mặt nông thôn trên địa bàn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện nâng cao.
Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được Vĩnh Phúc quan tâm đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự phát triển toàn diện thể chất, tinh thần và chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Công tác an sinh xã hội của tỉnh ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng được mở rộng. Hằng năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 20 ngàn lao động. Bình quân mỗi năm ngân sách tỉnh cấp trên 300 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng chính sách. Công tác giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo được quan tâm thực hiện tốt. Đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 0,44%.
Đặc biệt, trước sự bùng phát của dịch Covid-19, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như: hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin phòng Covid -19; hỗ trợ tiền ăn cho người dân khi thực hiện cách ly y tế tập trung; thuê chuyên cơ riêng từ nguồn xã hội hóa để đón công dân Vĩnh Phúc có hoàn cảnh khó khăn đang học tập, lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê hương an toàn…, là những chính sách nhân văn thể hiện trách nhiệm của tỉnh đối với sức khỏe, đời sống của người dân và cũng là những chính sách riêng của Vĩnh Phúc.
Nhất quán mục tiêu con người là trung tâm của sự phát triển, trong các Văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các Quyết định, Kế hoạch của UBND tỉnh đều thể hiện rõ quan điểm, định hướng, mục tiêu, giải pháp thực hiện đồng bộ 3 trụ cột quan trọng trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững bao gồm phát triển kinh tế, an sinh và phúc lợi xã hội. Với mục tiêu cao nhất: Con người là trung tâm của sự phát triển.
Với việc lấy con người là trung tâm của sự phát triển, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã bàn hành Nghị quyết số 12 về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được cụ thể hóa bằng mục tiêu và giải pháp rất cụ thể, người dân phải được thu hưởng thành quả của sự phát triển.
Lưu Trường