Nhằm tạo điều kiện cho công dân, Đề án đặt ra mục tiêu trong năm 2022: Bảo đảm cho hoạt động tạo lập định danh điện tử đối với công dân đã được thu thập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Chiều nay (18/1), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai phát triển Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030. Cùng dự có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, cùng lãnh đạo các bộ ban ngành, các lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố.
Hội nghị triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030
Tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, ngày 6/1/2022 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký và ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030. Đề án đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các chỉ tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng năm và từng giai đoạn. Kèm với đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và danh mục 52 nhiệm vụ cụ thể thực hiện với phân công trách nhiệm và các mốc thời gian hoàn thành của Đề án.
Theo đó, mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện tích như sau: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và Phục vụ chỉ đao, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Đặc biệt về nhóm tiện ích phục vụ công dân số, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, hiện nay đã có 23 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh thành phố đã có kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, công bố 6.673 bộ thủ tục hành chính, 1921 thủ tục hành chính liên quan đến công dân.
Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện nay, công dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ… Nhằm tạo điều kiện cho công dân Đề án đặt ra mục tiêu trong năm 2022: Bảo đảm cho hoạt động tạo lập định danh điện tử đối với công dân đã được thu thập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện giải quyết 100% yêu cầu từ công dân về tạo lập danh tính điện tử cho công dân. Tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ và đăng ký, sử dụng định danh điện tử trong các giao dịch hành chính, chứng minh nhân thân, dịch vụ công. Bảo đảm xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNEID hoặc qua thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe… từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số các giao dịch theo quy định pháp luật. Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNEID như: Dịch vụ cư trú, căn cước công dân, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.
Song song với việc triển khai 5 nhóm tiện ích, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng cho biết, sắp tới sẽ triển khai hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư là yếu tố bắt buộc để bảo đảm đầy đủ tính pháp lý để tổ chức triển khai Đề án. Năm 2022 tập trung xây dựng và ban hành Nghị định và Thông tư có liên quan đến việc quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng thời, nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế - xã hội; tiến tới 2023, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện phát triển Chính phủ số và đến năm 2024, tham mưu đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời, cần xây dựng cơ chế thanh tra, kiểm tra cán bộ sử dụng dữ liệu công dân qua khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; qua việc kết nối, chia sẻ khai thác dữ liệu với các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp, đảm bảo đúng mục đích, đúng yêu cầu, phòng chống lộ lọt dữ liệu và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư./.
Theo Vũ Khuyên/VOV
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-trien-khai-de-an-phat-trien-ung-dung-du-lieu-ve-dan-cu-post919097.vov