Bên cạnh những món ăn cổ truyền thường có trong dịp Tết, nhiều người loay hoay đi tìm kiếm công thức món ăn vừa ngon, vừa đa dạng hương vị để chống ngấy trong những ngày Tết.
Trong nếp sống gia đình chị Xuân Kiều Kado (Việt Kiều sinh sống tại Nhật) Tết là một dịp vô cùng quan trọng. Dù ở Nhật không đón Tết cổ truyền như Việt Nam nhưng những dịp này chị Kiều vẫn luôn tự tay chuẩn bị, sáng tạo các món ăn đa dạng để giữ gìn hương vị Tết quê nhà.
Chị Xuân Kiều chia sẻ: "Tết đến các món ăn ngày tết nhiều vô số kể, không đếm hết được là có bao nhiêu món ăn thức uống. Đó là những món ăn truyền thống quen thuộc, không thể thiếu trong mâm cơm mỗi gia đình dịp Tết Nguyên đán.
Mình vẫn tự tay gói bánh chưng, cuốn nem, nấu canh xương mỗi dịp Tết dù xa nhà. Thấy những món ăn này là thấy Tết, đỡ nhớ quê hương và cũng giúp các bé nhà mình hiểu hơn về văn hóa Việt Nam. Ông xã mình là người Nhật nhưng cũng rất mê món Việt, yêu thích văn hóa Việt.
Gỏi mực sốt Thái ngon tuyệt (Ảnh: Xuan Kieu Kado).
Để ăn nhiều món ngon ngày Tết không bị ngấy thì trong mâm cỗ Tết của gia đình mình không thể thiếu món gỏi, gỏi luôn được xem là món giải ngán, hiệu quả".
Dưới đây là công thức gỏi mực sốt Thái của chị Xuân Kiều:
Nguyên liệu cần có cho món này gồm:
Mực: 4 con
Cần tây: 2 cọng
Dưa leo: 2 trái
Cà rốt: 1 củ
Sả: 1 cây
Tỏi ớt tùy thích
Đậu phộng rang.
Công thức làm sốt Thái:
Dầu ăn: 2 muỗng canh
Tỏi ớt tùy thích
Sả: 1 cây
Nước mắm: 1 muỗng canh
Đường: 3 muỗng canh
Tương ớt: 1 muỗng canh
Cốt chanh hoặc quất: 5 muỗng canh.
Ngoài ra, gỏi bắp bò cũng là một món rất đáng để tham khảo (Ảnh: Xuan Kieu Kado).
Cách chế biến món gỏi mực sốt Thái:
Bước 1: Mực ống mua về rửa sạch với muối cho bớt nhớt. Cắt thành khoanh tròn hoặc thanh dài cắt nhẹ lên bề mặt mực lưới ngang dọc tùy thích .
Bước 2: Cho mực vào nồi trần sơ qua cho chín. Sau đó vớt ra ngâm vào thau nước đá lạnh 10 phút. Vớt mực ra để ráo nước.
Bước 3: Rau củ cắt sợi vừa ăn, cho muối vào trộn đều để ủ muối 10 phút, rồi đem đi rửa lại thật sạch, vớt ra để ráo nước.
Bước 4: Sả, tỏi cho lần lượt vào chảo dầu nóng phi cho vàng thơm, nêm gia vị nước sốt vào khuấy đều rồi tắt bếp để nguội.
Bước 5: Cho tất cả rau củ đã cắt sợi, mực vào thau, nước sốt đã nguội cho vào thau trộn đều lên, nêm nếm lại hương vị cho phù hợp theo khẩu vị gia đình.
Bước 6: Cho nộm ra dĩa và có thể cho thêm một ít đậu phộng đập nhỏ, một ít hành phi và vài cọng rau mùi lên trang trí thêm cho đẹp mắt là có thể thưởng thức được rồi.
Trong văn hóa người Việt, đa phần mọi người thường kiêng ăn mực vào đầu năm mới, chị Xuân Kiều Kado cũng gợi ý thêm các món gỏi khác, như gỏi bắp bò: "Bắp bò là món ăn có nhiều dinh dưỡng cho sức khỏe. Thịt bắp bò giòn, thơm, một chút gân nhẹ cho cảm giác giòn sật sật một chút nhưng tổng thể hương vị vẫn mềm ngọt, lạ miệng.
Định hình những lát cắt đẹp mắt khi chế biến và trang trí, do đó bắp bò được sử dụng vô cùng phổ biến trong các món ăn ở nước ta do nền ẩm thực tôn trọng hương vị cơ bản của các món ăn kết hợp với các loại rau, lá, củ quả đã tạo ra các món ngon từ bắp bò đơn giản dễ làm kích thích vị giác.
Bạn và gia đình cũng có thể lưu lại công thức này để làm trong bữa cơm tất niên cuối năm cho cả nhà thưởng thức nhé. Chúc các bạn thành công!", chị Xuân Kiều nói.
Theo Ngọc Linh/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/tet-2022/goi-muc-sot-thai-ngon-tuyet-voi-cong-thuc-don-gian-ai-cung-lam-duoc-20220114114604603.htm