Cập nhật: 29/01/2022 08:42:00
Xem cỡ chữ

Trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, bánh chưng xanh, câu đối đỏ, cành mai vàng là những thứ không thể thiếu, bên cạnh đó mứt Tết cũng là một món gia đình nào cũng trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam.

Bí quyết làm mứt dừa non ăn Tết của cô gái Bến Tre - 1

Mứt dừa non thơm ngon, vị bùi béo (Ảnh: Phương Oliver).

Bí quyết làm mứt dừa non ăn Tết của cô gái Bến Tre - 2

Căn bếp nghi ngút khói ngày đêm của vợ chồng chị Phương trong dịp cận Tết (Ảnh: Phương Oliver).

Trong căn bếp nhỏ của gia đình chị Phương Oliver (Bến Tre) vào những buổi sáng mùa xuân luôn nghi ngút khói từ khuya đến sáng để làm ra những mẻ mứt dừa non.

"Vợ chồng mình thường thức dậy lúc 2 giờ sáng để xào mứt trong nhiều tháng nay. Mình thấy có rất nhiều bạn hỏi về những vấn đề và khó khăn khi làm loại mứt dừa non này.

Ví dụ như mứt dừa non khi xào không lên màu. Khi xào mứt xong thì khô ráo nhưng để vài giờ thì mứt bị ướt và chảy nước. Nhiều bạn cũng muốn làm mứt sớm nhưng lại không biết làm cách nào để bảo quản mứt dừa non được lâu hơn. Đấy là những câu hỏi thường gặp về vấn đề của loại mứt tết này.

Bí quyết làm mứt dừa non ăn Tết của cô gái Bến Tre - 3

Chọn dừa tươi là khâu vô cùng quan trọng (Ảnh: Phương Oliver).

Với một vài kinh nghiệm tích lũy được trong nhiều lần làm mứt dừa non chị Phương đã có những chia sẻ về cách để khắc phục những tình trạng trên.

Bắt đầu từ khâu chọn dừa, cần chọn những miếng dừa còn trắng, không bị vàng, nếu như dừa bổ đã xong để lâu, khi đó xào mứt sẽ bị vàng đỏ. Cầm miếng cơm dừa phải cảm thấy mềm tay.

Một trong những bí quyết để bảo quản mứt dừa non được lâu là luộc thật kỹ dừa.

Bí quyết làm mứt dừa non ăn Tết của cô gái Bến Tre - 4

Luộc dừa thật kỹ để bảo quản được mứt lâu hơn (Ảnh: Phương Oliver).

Chị Phương Oliver thường ướp đường và tạo màu chung một lần. Để tạo màu cho mứt thì thường tận dụng các màu trong thực phẩm tự nhiên để ướp dừa. Sử dụng hoa đậu biếc cũng có thể cho ra màu rất đẹp.

Chị Phương chia sẻ: "Chúng ta ướp 2 lần, một lần lúc cùng với đường, lần 2 lúc xào mứt vừa ráo nước cho thêm một lần màu nữa, lúc này màu tự nhiên không bị nhiệt nấu lâu quá nên sẽ lên màu rất tươi và đẹp. Với màu hoa đậu biếc mình cũng ướp như vậy, mà vẫn thi thoảng lên xanh nhẹ thôi ấy.

Bí quyết làm mứt dừa non ăn Tết của cô gái Bến Tre - 5

Ướp màu đậu biếc cho mứt dừa (Ảnh: Phương Oliver).

Khi mứt dừa vừa ráo đường chúng ta để lửa thật nhỏ, đảo đều, kỹ, lúc này dừa sẽ ra lại nước bên trong và ráo từ từ bên ngoài, như vậy mứt sẽ khô, ít bị chảy nước.

Xào liên tục khi nào đường bông lên, khô trắng. Chúng ta nhắc chảo xuống.

Sau khi đã xào mứt xong, bạn tiếp tục dùng tay bóp, đảo liên tục để mứt dừa tơi đường.

Bí quyết làm mứt dừa non ăn Tết của cô gái Bến Tre - 6

Mứt dừa đem phơi nắng ngay sau khi xào (Ảnh: Phương Oliver).

Bí quyết để mứt khô, đẹp là vừa xào xong cho ra nắng phơi ngay, làm như vậy mứt sẽ khô ráo bên ngoài, dai mềm bên trong. Phần đường không bám quá nhiều vào miếng mứt, chỉ có một lớp mỏng nhẹ đường bông bên ngoài.

"Phơi nắng giúp mứt khô, để được lâu và màu tươi sáng. Nên phơi nắng cho dừa khô hẳn. Hoặc cách thứ 2 các bạn xào ráo rồi cho vào một cái chảo sạch khác tiếp tục xào với lửa nhỏ lần nữa, mứt sẽ khô không bị chảy nước .

Bí quyết làm mứt dừa non ăn Tết của cô gái Bến Tre - 7

Thành quả miếng mứt dừa non thơm ngon, không dính quá nhiều đường (Ảnh: Phương Oliver).

Thành quả là mứt dừa khô ráo bên ngoài nhưng mềm dẻo bên trong. Mứt dừa khô hoàn toàn. Cách bảo quản hiệu quả nhất là cho vào túi chân không hút kỹ sẽ để được đến Tết. Chúc các bạn thành công!".

Theo Ngọc Linh/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/tet-2022/bi-quyet-lam-mut-dua-non-an-tet-cua-co-gai-ben-tre-20220114102558873.htm