Cập nhật: 29/01/2022 10:20:00
Xem cỡ chữ

Người dân Lý Sơn quan niệm khi cây nêu được dựng lên là xem như Tết đã về. Vậy cây nêu có ý nghĩa gì mà tất cả đình làng, dinh miếu, nhà thờ tộc họ… đều đồng loạt dựng mỗi dịp tết đến xuân về?

Cây nêu với lá đại kỳ bay phất phới được dựng lên ở đảo Lý Sơn - Ảnh: TRẦN MAI

Những ngày cuối năm, vượt sóng ra Lý Sơn, cảm nhận không khí Tết ngập tràn khắp đảo. Người Lý Sơn có cách đón tết tân minh nhưng cũng giữ những phong tục trăm năm.

Trong đó, lễ thượng nêu và dựng nêu đón tết đã gắn liền 300 năm ở quê hương Hải đội Hoàng Sa. Theo các cụ bô lão, sau khi cúng tiễn ông Táo về trời, ngày 24 tháng chạp hàng năm, việc chuẩn bị lễ thượng nêu đón Tết chính thức bắt đầu. Người Lý Sơn vọng vái, cúng tế theo phong tục truyền thống.

Mâm cúng gồm nhiều lễ vật do người dân trồng trọt, đánh bắt trong năm. Trong đó không thể thiếu món bánh ít lá gai và hải sản ngư dân khai thác từ vùng biển Hoàng SaTrường Sa.

Tiếp theo là nghi lễ mộc trụ thường kỳ vui xuân, đón Tết được các bô lão kính cẩn vái vọng thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân mở cõi, cắm mốc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Nguời Lý Sơn là vậy, trong mọi lễ hội luôn nhắc nhớ về Hoàng Sa, Trường Sa. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác lưu giữ.

Người dân Lý Sơn thượng nêu đón Tết, vọng nhớ tiền nhân mở cõi - Ảnh 2.

Cây nêu luôn hiện diện trong tâm thức của người Lý Sơn, đó là nơi trao gửi niềm tin được tiền nhân che chở tiếp tục vững bước bám biển, giữ chủ quyền - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Trần Trung Chỉnh, Ban quản lý di tích Lân Vĩnh Lộc cho biết thường người dân gọi đây là lễ Trồng đu lên phướn. Với sử sách của những vị tiền hiền để lại, đây là lễ Nhất mộc, đại kỳ, thượng điểu nghinh xuân, đón chào năm mới cầu cho một năm an khang thịnh vượng.

Trên cây nhất mộc đại kỳ có hình tượng con chim điểu, cá chép hóa rồng biểu tượng cho mùa xuân. Đại kỳ, trước đây, thời vua Trần Hưng Đạo, lá cờ vuông gọi là cờ thần. Hiện nay, cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho Tổ quốc Việt Nam được treo phía trên lá cờ phướn.

Ông Phạm Quang Ry (65 tuổi), hậu duệ của Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh bày tỏ: Chúng tôi xem đây là nghi lễ vọng nhớ tiền nhân khai khẩn Cù Lao Ré (tên gọi Lý Sơn xưa) và lớp lớp thế hệ dong thuyền mở cõi Hoàng Sa. Dựng nêu để đón một năm mới, cũng là dịp nhắc nhớ chuyện muôn năm cũ.

Cây nêu được dựng lên cũng là lúc người Lý Sơn thực hiện các nghi lễ tạ ơn các đấng thần linh, các bậc tiên hiền, các binh phu đi Hoàng Sa thuở trước.

Người dân Lý Sơn thượng nêu đón Tết, vọng nhớ tiền nhân mở cõi - Ảnh 3.

Tất cả các dinh thờ, miếu mạo, nhà thờ họ... trên đảo Lý Sơn đều phải thượng nêu đón Tết - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Nguyễn Đăng Vũ, nguyên giám đốc sở Văn hóa - thể thao du lịch Quảng Ngãi, nhiều năm nghiên cứu về các nghi lễ xa xưa ở Lý Sơn, cho rằng nghi thức dựng cây nêu đón Tết của cư dân đảo Lý Sơn tồn tại hàng trăm năm nay.

Ngày nay, sau những phiên biển cuối năm trở về từ Hoàng Sa, Trường Sa cùng gia đình đón Tết, nhiều ngư dân ở đảo Lý Sơn cũng thực hiện nghi thức dựng cây nêu trên tàu cá.

Dụng ý của việc dựng cây nêu là để trừ ma, diệt quỷ, cầu mong thần linh và tổ tiên phù hộ năm mới mưa thuận gió hòa, thuận buồm xuôi gió, ngư dân vững tin vươn khơi bám biển, giữ chủ quyền. "Chủ quyền là cái gốc và cây nêu như cầu mong sự che chở của tiền nhân", ông Vũ nói.

Cũng theo ông Vũ, cây nêu ở Lý Sơn mang những nét đặc trưng riêng so với các vùng miền khác, thể hiện ước vọng của người dân Lý Sơn về một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, tôm cá đầy khoang.

Cờ Tổ quốc được treo cùng thể hiện ý chí bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo TRẦN MAI/tuoitre.vn

https://tuoitre.vn/nguoi-dan-ly-son-thuong-neu-don-tet-vong-nho-tien-nhan-mo-coi-20220129101742195.htm