Ăn quá nhiều dầu mỡ vào dịp Tết Nguyên đán khiến cơ thể có cảm giác ngấy. Đây là lúc các gia đình nên thưởng thức những món ăn vừa có tác dụng giải ngấy lại vừa tốt cho sức khỏe.
Các món nộm/gỏi thanh mát
Trong thực đơn giải ngấy ngày Tết Nguyên đán không thể thiếu các món nộm/gỏi thanh mát.
Một trong những món nộm dễ thực hiện và có thể tận dụng những nguyên liệu có sẵn tại nhà trong những ngày Tết là nộm bò khô.
Chúng ta có thể tận dụng bò khô mà gia đình hay lai rai dịp Tết để làm nộm. Số lượng bò khô tùy thuộc vào khẩu phần ăn và sở thích của mỗi gia đình.
Món gỏi khô bò. (Ảnh: Gangtaycaosu)
Dưa leoNguyên liệu:
Xoài xanh
Cà rốt
Chanh lấy nước cốt
Ớt
Rau thơm
Gia vị
Cách làm:
Thái sợi xoài, dưa leo, cà rốt đem ngâm với nước muối, bóp sạch nước. Tiếp đó, cho các nguyên liệu này vào thau nước đá cho giòn rồi vớt ra vắt ráo, cho vào tô.
Sau đó, cho bò khô vào, thêm 2 thìa nước cốt chanh, ít đường, bột canh cho vừa khẩu vị cùng rau thơm thái nhỏ. Trộn đều hỗn hợp trên và để trong 5-10 phút cho ngấm gia vị là được.
Ngoài nộm bò khô, tùy theo sở thích, nhu cầu của mình, mỗi gia đình có thể làm gỏi xoài tai xanh, gỏi sứa, gỏi gân bò trộn cóc…
Những món nộm vị chua chua ngọt ngọt, không chứa nhiều dầu mỡ, không có vị béo ngoài tác dụng làm phong phú thêm mâm cỗ ngày Tết còn chống ngán, giải ngấy rất hiệu quả.
Các món canh chua
Các món canh chua cũng là một lựa chọn không thể bỏ qua để giải ngấy sau những ngày ăn quá nhiều thịt, cá.
Vị chua chua, thanh mát của các món canh này sẽ giúp cơ thể chúng ta vượt qua cảm giác ngán ngấy để ăn ngon miệng hơn.
Tùy vùng miền, mức độ dễ kiếm tìm của nguyên liệu mà mỗi gia đình có thể thực hiện các món canh chua sau: Canh hến nấu khế, canh ngêu nấu chua, canh cải chua, canh cá nấu chua…
Tuy nhiên, món canh chua cá dường như dễ nấu và được ưa chuộng hơn cả. Tùy theo sở thích, các gia đình có thể nấu canh chua cá lóc, canh chua cá diêu hồng, canh chua cá hồi, canh chua cá basa… để thưởng thức và giải ngấy cho mình.
Dưới đây là cách nấu món canh chua cá lóc giải ngấy ngày Tết mà mọi gia đình đều có thể tham khảo.
Món canh chua cá lóc. (Ảnh: Nghebep).
Đường, muối, hạt nêm, tiêu…Nguyên liệu
Cá lóc, thơm, cà chua, đậu bắp, bạc hà, me vắt, giá đỗ, ngò gai, rau ngổ.
Nước
Cách làm
Cá lóc cắt thành các khúc rồi bỏ vào tô, nêm gia vị vừa ăn, trộn đều và ướp trong khoảng 15 phút.
Thơm gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành miếng vừa ăn. Cà chua cắt thành miếng hình múi cau. Rửa sạch giá đỗ với nước. Ngò gai và rau ngổ rửa sạch rồi cắt nhỏ.
Đậu bắp sau khi rửa sạch thì cắt chéo thành từng miếng. Tước vỏ bạc hà rồi cắt xéo như đậu bắp.
Cho me vắt cùng 1 muỗng canh nước ấm khoảng 60 độ C vào chén rồi dùng muỗng dầm đều cho thịt me mềm ra.
Tiếp theo, đun 1 lít nước cho đến khi nước sôi lăn tăn thì cho me vừa dầm mềm vào, trộn đều và nấu đến khi nước sôi.
Sau khi nước cốt me sôi, chúng ta cho cá lóc vào nấu khoảng 10 phút rồi dùng muỗng vớt bọt canh ra. Tiếp đó, chúng ta cho cà chua, thơm, đậu bắp, giá đỗ và bạc hà vào.
Trộn đều các nguyên liệu rồi cho thêm 1 muỗng canh đường vào nồi, nấu đến khi nước sôi lại.
Sau đó, chúng ta nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn hoặc tùy theo khẩu vị của gia đình mình rồi tắt bếp.
Múc canh ra tô, rắc thêm 1 ít rau ngổ và ngò gai lên trên là các bạn có thể ăn món canh chua cá lóc thơm ngon có vị chua thanh mát để giải ngấy rồi.
Các món bún
Các món bún riêu cua đồng, bún ốc, bún thang...chứa nhiều rau xanh, vị chua dịu, thanh mát cũng nằm trong danh sách món ăn giải ngấy, thanh lọc cơ thể sau chuỗi ngày dài tiệc tùng bên mâm cỗ Tết.
Bún riêu cua đồng đứng đầu danh sách các món bún chống ngấy ngày Tết bởi món ăn này vừa thanh vừa mát lại không có quá nhiều dầu mỡ.
Một tô bún riêu nấu khéo có vị chua nhẹ của dấm bỗng, của cà chua. Vị chua ấy hòa quyện cùng độ ngọt thanh của cua đồng sẽ làm bạn quên ngay những giò, thịt gà, bánh chưng... ngày Tết.
Dưới đây là cách nấu món bún riêu cua đồng mà các bạn có thể tham khảo.
|
Bún riêu cua đồng là món ăn giải ngấy ngày Tết không thể bỏ qua. (Ảnh: Bếp 360).
|
Nguyên liệu
Cua đồng, thịt xay, tôm khô, trứng gà, bún, đậu hũ, cà chua, me, mắm tôm, hành tím, ngò, hành lá, rau muống, bắp chuối, xà lách…
Hạt tiêu, hạt nêm, nước mắm, đường, dầu ăn…
Cách làm
Đậu hũ cắt nhỏ rồi chiên vàng. Hành lá rửa sạch cắt khúc. Cà chua cắt miếng vừa ăn, xào qua với dầu ăn ở lửa to.
Cho cua đã xay vào một chiếc tô lớn rồi hòa nước vào, dùng tay bóp nhẹ cho thịt cua tan vào nước. Sau đó, gạn đổ nước trên vào nồi.
Hoà một chút gia vị (muối, hạt nêm, đường) vào nồi nước cua vừa lọc rồi đặt lên bếp đun ở lửa vừa. Khuấy nhẹ để riêu cua kết lại, sau đó vớt để riêng ra bát.
Tiếp tục cho cà chua đã xào qua vào nồi nước cua. Nêm lại nồi nước dùng với một thìa cà phê mắm tôm, các loại gia vị cho vừa ăn rồi tiếp tục đun ở lửa nhỏ.
Làm chả ăn với bún riêu
Đem tôm khô đi ngâm nước cho mềm rồi xay nhuyễn. Đổ tôm khô đã xay nhuyễn, thịt xay, trứng gà, đầu hành bằm, tỏi bằm, hạt nêm, đường vào một tô lớn rồi trộn thật đều lên.
Khi nước riêu cua sôi, dùng thìa múc từng phần hỗn hợp vừa trộn nói trên vào nồi nước.
Chả chín nổi lên mặt nước thì cho đậu phụ đã rán vào. Khi nào gần ăn, bạn có thể cho giấm bỗng vào (trong món bún riêu cua của người miền Bắc thường cho thêm giấm bỗng vào để tạo ra vị chua thanh dịu dàng và mùi thơm đặc trưng).
Công đoạn cuối cùng là phi thơm hành khô rồi đổ nhanh phần gạch cua vào, đảo đều và tắt bếp.
Món bún riêu cua đồng đã hoàn thành với mùi thơm đặc trưng của mắm tôm, nước cua ngọt đậm đà và vị chua thanh của cà chua sẽ bạn quên cảm giác ngán ngấy thức ăn có nhiều dầu mỡ.
Theo Nguyễn Sơn(tổng hợp)/vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/am-thuc/cach-lam-cac-mon-giai-ngay-ngay-tet-nguyen-dan-2022-sieu-ngon-don-gian-809313.html