Vào dịp Tết truyền thống, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng luôn bộn bề với việc bếp núc và nhiều việc không tên khác... Để có sức khỏe an toàn, thai phụ nên có kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho bản thân.
Mỗi giai đoạn mang thai, các mẹ bầu có những điều cần lưu ý khác nhau để có cách sinh hoạt tốt nhất trong dịp Tết. Do đó, các thai phụ luôn nhớ chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân trong những ngày Tết bận rộn và ít nhiều nề nếp sinh hoạt dễ bị xáo trộn.
1. Ba tháng đầu thai kỳ
Hầu hết các phụ nữ mang thai không cảm thấy khỏe trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, với các triệu chứng như ốm nghén và mệt mỏi thường xuyên ở đỉnh điểm.
Vì vậy giai đoạn này rất cần nghỉ ngơi, cố gắng ăn uống bởi ba tháng đầu thai kỳ nguồn dinh dưỡng chính nuôi dưỡng bào thai là từ mẹ, dinh dưỡng của thai nhi phụ thuộc vào dinh dưỡng của mẹ nạp vào.
Nhưng không phải thế mà thai phụ có thể ăn quá nhiều mà thai phụ nên ăn vừa phải, chia nhiều, bữa ăn và đủ chất dinh dưỡng. Chú ý bổ sung protein như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu đỗ..; sắt thông qua các thực phẩm như thịt, gan, tim, cật, rau xanh và các loại hạt...; axit folic tự nhiên từ rau xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu...; canxi như sữa, cua biển, cá mòi...; vitamin D như tắm nắng sớm, các loại rau xanh, trái cây như bưởi, cam, quýt... giàu vitamin C… theo hướng dẫn của bác sĩ.
Không nên ăn các thực phẩm khó tiêu, nhiều chất béo. Tuyệt đối không ăn các thực phẩm chưa nấu chín, tái… Giảm các loại đồ ăn vặt nhiều calo. Uống nước giữa các bữa ăn để tiêu hóa tốt hơn, không nên uống nước trong bữa ăn…
Ba tháng đầu là thời điểm thai phụ cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ phát triển.
Nếu tình trạng sức khỏe bảo đảm, bà bầu có thể đi du lịch. Tuy nhiên, tốt nhất bạn hãy tạm hoãn kế hoạch đi chơi xa sau khi sinh con. Những phụ nữ mang thai ba tháng đầu cân nhắc kỹ lưỡng kế hoạch du lịch. Nếu quyết định đi nghỉ dưỡng trong dịp lễ Tết, các bác sĩ khuyên thai phụ nên nghỉ dưỡng ở nơi không phải đi quá xa để tránh ngồi lâu trên máy bay hay ô tô. Tốt nhất nên ngồi máy bay và xe ô tô trong khoảng hai giờ đồng hồ.
Nên chọn các bãi biển thay bằng leo núi, nên tránh sử dụng bồn tắm nước nóng và phòng xông hơi. Hồ bơi, bồn tạo sóng mát-xa thủy lực tốt để cho phụ nữ mang thai thư giãn. Nên uống đủ nước và ăn ít và thường xuyên để chống buồn nôn. Đi bộ nhẹ nhàng có thể giúp bạn xoa dịu cơn ốm nghén kéo dài.
2. Ba tháng giữa thai kỳ
Đối với hầu hết thai phụ, tam cá nguyệt thứ hai là thời điểm lý tưởng để đi nghỉ trong thai kỳ. Các triệu chứng không mong muốn của thời kỳ đầu mang thai sẽ giảm dần, mức năng lượng của bạn trở lại, bạn có thể đi lại khá thoải mái. Tận dụng tối đa giai đoạn này bằng một kỳ nghỉ vui vẻ nhất là đúng dịp kỳ nghỉ Tết.
Tập thể dục khi mang thai là một cách tuyệt vời để giữ cho cơ thể bạn khỏe mạnh và tâm trí bình tĩnh đối mặt với mọi thay đổi sắp tới, và có rất nhiều hoạt động thai phụ vẫn có thể tham gia vẫn là đi bộ, tập yoga, các bài tập kegel và bơi lội.
Tuyệt đối tránh các hoạt động vận động mạnh như leo núi quá sức. Hãy chú ý lắng nghe cơ thể.
Nếu ngồi trên máy bay, hay thỉnh thoảng đứng lên đi lại để giảm thiểu nguy cơ đông máu. Hay có thể dùng xe ô tô để vận động cơ thể.
Để có chế độ ăn uống khỏe mạnh cho thai phụ ba tháng giữa thai kỳ, thai phụ cần ăn nhiều loại thức ăn, chú ý trong lựa chọn, chế biến thực phẩm và tạo được cảm giác ngon miệng trong mỗi bữa ăn.
3. Ba tháng cuối thai kỳ
Trong những ngày Tết bận rộn hay đi nghỉ dưỡng thai phụ vẫn nên tập yoga nhẹ nhàng
Đối với thai phụ dự sinh dịp Tết, đừng quá lo lắng khi ngày dự sinh vào dịp Tết nguyên đán, hãy chuẩn bị tâm lý thoải mái sẵn sàng để đón chào "thiên thần nhỏ" sắp chào đời, chuẩn bị những kiến thức cần thiết chăm sóc thai phụ về dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, nghỉ dưỡng.
Nếu phụ nữ mang thai đang trong thời gian ba tháng cuối thai kỳ, thai phụ vẫn có thể đặt kỳ nghỉ nếu thai phụ ở vào những tuần đầu của tam cá nguyệt thứ ba đúng dịp nghỉ Tết sẽ không quá phức tạp. Nhưng sau khi thai phụ đạt 36 tuần, hầu hết các hãng hàng không sẽ không cho phép thai phụ lên máy bay vì thời gian 36 tuần có thể có nguy cơ sinh.
Vì vậy, khi đi du lịch ở thời điểm từ sau tuần 28 đến 35 tuần của thai kỳ, thai phụ cũng nên tìm hiểu về các cơ sở y tế nơi nghỉ và mang theo sổ khám bệnh, các giấy tờ y tế khi đi du lịch.
Tập các bài tập thể dục có tác động thấp. Các dây chằng trong khớp của thai phụ bị nới lỏng để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ, khiến các chấn thương dễ xảy ra hơn. Tập yoga nhẹ nhàng, bơi lội và đi bộ đều là những lựa chọn tốt.
Thai phụ cần thêm khoảng 300 calo mỗi ngày trong tam cá nguyệt thứ ba, và dịp nghỉ dưỡng tại các bãi biển sẽ cung cấp các thực phẩm hải sản tốt cho thai kỳ.
4. Lời khuyên của bác sĩ
Tốt nhất ngày Tết, đặc biệt trong 4 tuần cuối của tháng cuối thai kỳ , thai phụ nên hạn chế đi chơi xa hoặc di chuyển chúc Tết quá nhiều. Cần theo dõi các dấu hiệu chuyển dạ để kịp thời vào viện khi cần thiết.
4.1 Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Bánh chưng nhiều chất dinh dưỡng nhưng thai phụ nên hạn chế vì ăn nhiều gây khó tiêu.
Thai phụ cần phải lưu ý chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Tránh ăn quá nhiều đồ giàu đạm, dầu mỡ, thiếu chất xơ, vitamin. Nên có chế độ ăn cân bằng chất dinh dưỡng, uống đủ nước. Bên cạnh đó, nên cố gắng duy trì thời gian biểu ăn uống, thư giãn điều độ như ngày thường để luôn có đầy đủ năng lượng, sức khỏe để chuẩn bị chào đón em bé của mình.
Trong những ngày Tết, trong nhà thường có nhiều loại thực phẩm nhưng bạn phải tỉnh táo để duy trì chế độ ăn khoa học, đúng mức.
Sau khi sinh bạn cần được ăn đầy đủ dinh dưỡng như tinh bột, đường, đạm, chất béo, nhất là rau xanh và các loại quả. Bạn nên chọn thực phẩm tươi, tránh những thực phẩm dễ gây dị ứng, các gia vị quá cay, chất cồn và các chất kích thích khác.
4.2 Đến cơ sở y tế ngay khi có những dấu hiệu chuyển dạ
Chuyển dạ là cột mốc đánh dấu kết thúc những tháng ngày "mang nặng" để chuẩn bị đến lúc phải "đẻ đau". Đây sẽ là thời khắc chứa đựng rất nhiều băn khoăn và lo lắng, nhất là với những sản phụ sinh con đầu lòng.
Những dấu hiệu báo hiệu chuyển dạ mà các sản phụ nên lưu ý để kịp thời đến các cơ sở y tế và chuẩn bị cho cuộc sinh được thuận lợi: Chảy máu âm đạo, co thắt, vỡ màng ối hoặc có dấu hiệu co thắt dạ con, có dấu hiệu sinh non trước tuần thai thứ 37; Thai phụ bị nhức đầu, huyết áp cao hay huyết áp thấp, bị phù, bệnh tim…
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/nhung-ngay-tet-ban-ron-ba-bau-dung-quen-cham-soc-suc-khoe-169220124182003675.htm